• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ: “Nếu không giải tỏa, di dời dân được thì nhà máy phải đóng cửa”

Thời sự 07/07/2017 21:12

(Tổ Quốc) - “Bây giờ nhà máy đang dàn xếp phương án tài chính để thực hiện, bởi vì không dễ gì bỏ ra mấy trăm tỷ để giải tỏa. Còn lại nếu không dàn xếp được, tức là không thực hiện giải tỏa được thì nhà máy phải đóng cửa”.

Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 7/7.

Liên quan đến hai nhà máy thép DANA Úc và DANA Ý (đóng trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) gây ô nhiễm nhiều năm nay khiến hàng trăm hộ dân thôn Vân Dương 2 bức xúc, sống trong ô nhiễm, tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 7/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có ý kiến về vấn đề này.

Theo ông Thơ, hai nhà máy này đã được thành phố cấp phép và tồn tại từ rất lâu rồi (khoảng năm 2005-2006). Hồi đó Đà Nẵng đang “khát” đầu tư, đang cần phát triển công nghiệp. Lúc đó dân cư xung quanh khu vực này đang còn thưa thớt, tuy nhiên sau này dân cư làm nhà nhiều lên, nằm gần với nhà máy.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Vấn đề ô nhiễm của hai nhà máy này không phải từ bây giờ mà có từ lâu rồi. Trước đây có thể chịu đựng được nhưng giờ thì không thể chịu đựng ô nhiễm được nữa. Đã đến lúc hoặc là di dời nhà máy, hoặc là di dời khu dân cư.

“Chúng tôi đã bàn đến phương án di dời nhà máy nhưng không còn chỗ để di dời. Cả Đà Nẵng tìm không ra chỗ nào để di dời hai nhà máy này. Di dời tốn kém kinh phí khoảng 1.500 tỷ. Ô nhiễm thì đi đâu nó cũng ô nhiễm, lên núi cao hơn nữa thì trúng nguồn nước. Sở Xây dựng tìm vị trí mấy tháng trời mà tìm không ra để di dời nhà máy”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Trong lúc đó, phương án di dời dân cư có vẻ khả thi hơn. Di dời dân cư có thêm yếu tố, lợi thế nữa là tạo điều kiện cho người dân di dời đến nơi ở mới có đời sống tốt hơn, chứ khu vực hiện tại mùa mưa thường bị ngập úng và bị ô nhiễm của hai nhà máy.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, về tài chính di dời dân cư thì hai nhà máy phải bỏ ra để di dời, đền bù, giải tỏa và lo ổn định đời sống cho người dân tái định cư.

“Nhà máy cứ bỏ kinh phí ra đã, xong xuôi rồi, có được quỹ đất sạch thành phố sẽ đem đấu giá quỹ đất đó, chuyển quyền sử dụng quỹ đất đó để thu tiền về. Nếu số tiền đó lớn hơn số tiền di dời giải tỏa thì thu về ngân sách; còn nếu số tiền đó âm đi, không bằng số tiền di dời giải tỏa (điều này phổ biến-PV) thì nhà máy phải chịu”, ông Thơ nhấn mạnh.

Nhà máy thép DANA - Ý.

Ông Thơ chia sẻ, cũng giống như tình trạng hiện nay của thành phố chúng ta, ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên, chi phí đền bù giải tỏa thường lớn hơn so với chi phí khai thác quỹ đất.

“Bây giờ nhà máy đang thu xếp phương án tài chính để thực hiện, bởi vì không dễ gì bỏ ra mấy trăm tỷ để giải tỏa. Còn lại nếu không dàn xếp được, tức là không thực hiện giải tỏa được thì nhà máy phải đóng cửa.Giải tỏa dân được thì nhà máy vẫn tiếp tục tồn tại nhưng phải dần dần thay đổi công nghệ, khắc phục hoàn toàn vấn đề ô nhiễm môi trường và có lộ trình chuyển đổi công năng để không còn sản xuất thép nữa, trong vòng thời gian 15 năm”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đức Hoàng

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ