(Tổ Quốc) - Ngày 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường đã làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành "Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc", đến năm 2045 là "tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước".
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc.
Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp; khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng anh hùng của vùng đất và con người xứ Thanh; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội lực của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân các dân tộc của tỉnh Thanh Hóa và tranh thủ thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và sự ủng hộ, hợp tác của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh.
Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, nút thắt và khơi thông nguồn lực cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp để thu hút các dự án đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới. Cùng với đó cần quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước giao Văn phòng Chủ tịch nước tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành, với sự năng động, sáng tạo, đột phá của chính quyền địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững - cùng với cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, trở thành "Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.