(Tổ Quốc) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thành công của SEA Games 31 là rất vang dội. SEA Games không chỉ là kênh thể thao của Đông Nam Á mà còn thể hiện bộ mặt quốc gia.
Sáng 25/5, phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 5 tháng đầu năm 2022, các chỉ số kinh tế đã đạt và vượt mức, kinh tế vĩ mô ổn định. Dịch bệnh COVID-19 ngày càng được kiểm soát tốt với tỉ lệ tiêm vaccine cao, thuộc nhóm đầu trên thế giới. Các vấn đề đối ngoại, quốc phòng an ninh cũng đạt nhiều kết quả.
"Đặc biệt thành công của SEA Games 31 vừa rồi là rất vang dội. SEA Games không chỉ là kênh thể thao của Đông Nam Á mà còn thể hiện bộ mặt quốc gia. Khả năng tổ chức và trình độ chuyên môn của chúng ta ở SEA Games vừa rồi là khá hoàn thiện, chương trình thể thao khu vực rất tốt", Chủ tịch nước nói.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Chủ tịch nước lưu ý với trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, từ cán bộ lãnh đạo hay các ĐBQH không được chủ quan, thỏa mãn với thành tích bước đầu bởi phía trước còn rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, những yếu tố cho thấy nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát là có thể xảy ra, khi chúng ta là nền kinh tế có độ mở cao.
Vấn đề giá cả năng lượng đang tác động sâu vào nền kinh tế. Chủ tịch nước cho rằng phải lưu ý vấn đề này bởi giá cả năng lượng sẽ cuốn theo nhiều vấn đề khác, các yếu tố đầu vào từ đó tăng lên, kéo theo các ngành kinh tế có thể rơi vào tình trạng khó khăn chung.
Nhắc đến hiện tượng rút Bảo hiểm xã hội một lần hàng loạt, Chủ tịch nước cho rằng việc hàng trăm nghìn người rút bảo hiểm một lần lâu dài sẽ gây khó khăn kinh tế - xã hội.
"Người ta cũng không muốn rút đâu nhưng bởi vì có khó khăn. Phải thấy được bản chất vấn đề là người lao động đang gặp trở ngại để có những chính sách phù hợp", Chủ tịch nước nói.
Về vấn đề chứng khoán, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng nhưng thời gian gần đây đi xuống rất nhiều, bốc hơi hàng tỷ USD. Chủ tịch nước cho rằng cần phải có biện pháp tốt hơn, có những phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này.
Nói về gói kích thích kinh tế, Chủ tịch nước nêu rõ Đảng, Nhà nước đã thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động để có hỗ trợ, nhưng rõ ràng việc triển khai chính sách còn chậm, doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít.
Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
"Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045 đòi hỏi phải tăng trưởng cao liên tục. Ta mất hai năm tăng trưởng thấp do nguyên nhân khách quan, nên cần phải có sự lo lắng, có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt nếu không rất khó đạt mục tiêu như Nghị quyết đã nêu", Chủ tịch nước lưu ý.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong bối cảnh không thuận lợi như hiện nay, nhất là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách Zero Covid của Trung Quốc dẫn đến khó khăn nguồn nguyên vật liệu.
Phân tích về nhiều đợt lạm phát mà nước ta phải đối mặt, buộc phải dùng "thuốc liều cao" là thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý với dấu hiệu hiện nay như giá xăng dầu tăng liên tục thì Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu.
Về thị trường tài chính, hiện các kênh dẫn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dẫn số liệu chứng minh độ sâu tài chính của Việt Nam lớn (khoảng 250% GDP), trong đó có vốn hóa ở thị trường chứng khoán, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần "uốn nắn" để minh bạch, công khai, pháp lý rõ ràng giúp nhà đầu tư thấy yên tâm. Cùng với đó có cơ quan giám sát và xử lý sai phạm đến nơi đến chốn để đảm bảo minh bạch.
Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, kết quả phục hồi kinh tế là tổng hợp của những nỗ lực không biết mệt mỏi trong thời gian qua. Riêng TP.HCM đã kiểm soát dịch tốt, phục hồi mạnh mẽ và khá đồng bộ.
Dẫn số liệu sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, 4 tháng liên tục tăng, sau thời gian dài âm, thương mại dịch vụ dương 0,6%, lưu trú tăng 2,2% hay lữ hành 8%, ông Phan Văn Mãi nói: "Con số nhìn đơn giản thế nhưng cả một nỗ lực, thể hiện niềm tin, dư địa và giải pháp, chính sách đúng hướng, nên cần tập trung hơn nữa. Nếu ta không mở cửa, điều chỉnh biện pháp chống dịch thì điều gì đã xảy ra? Cần phân tích để có bài học kinh nghiệm".
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ ra một số tồn tại. Điển hình là khu vực bất động sản còn âm 12,6%. Ông lưu ý, có chuyện đà phục hồi chậm sau dịch do có tác động mới từ các tháng đầu năm khi siết tín dụng vào bất động sản.
"Có hay không chuyện đập con chuột mà không bể bình hay bể bình rồi?", ông Phan Văn Mãi đặt vấn đề và đề nghị có các giải pháp siết cho đúng để tránh ảnh hưởng tới các dự án bất động sản cần triển khai, tạo công ăn việc làm, an cư cho nhiều gia đình.
Muốn vậy, cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản phải hết sức căn cơ, bài bản không sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.