(Tổ Quốc) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức dựng cây nêu, mở Lễ hội Gầu Tào cùng đồng bào các dân tộc, nghi thức này mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho con cái, sức khỏe và làm ăn thuận lợi.
Sáng 24/2 (mùng 9 Tết Mậu Tuất), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Mậu Tuất 2018. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới tham dự các hoạt động văn hóa, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. |
Ngày hội có sự tham gia của khoảng 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 21 cộng đồng dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước - sự kiện có sự tham gia của các cộng đồng dân tộc đông nhất từ trước tới nay. Đại diện cho đồng bào các dân tộc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi tới Chủ tịch nước bó hoa tươi thắm và lời chúc mừng năm mới. |
Trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, đại biểu đồng bào các dân tộc đã phát biểu báo công, chúc Tết; bày tỏ tình cảm và đề xuất, kiến nghị của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với Đảng, Nhà nước. |
Trong tiết đầu Xuân mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tới toàn thể đồng bào những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử, 54 dân tộc anh em đã đồng cam, cộng khổ, đoàn kết, gắn bó keo sơn đưa dân tộc ta vượt qua mọi thác gềnh, thử thách, hun đúc nên khí phách Việt Nam, tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam. Sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc anh em giống như những bông hoa rực rỡ cùng khoe sắc trong vườn hoa chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng, miền tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh để sắc xuân, khí xuân lan tỏa khắp mọi miền đất nước. |
Chủ tịch nước đã đánh tiếng cồng khai mạc Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Mậu Tuất 2018. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tham gia điệu múa xòe với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. |
Ngay sau đó, Chủ tịch nước đã tới thăm làng dân tộc Mường. |
Tại đây, Chủ tịch nước và lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đồng bào các dân tộc đã tham dự Lễ hội Đâm đuống của người dân tộc Mường. Đâm đuống là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong lễ hội và chỉ có phụ nữ biểu diễn, có tính nghệ thuật và tính tổ chức. Đâm đuống là tục lệ có nguồn gốc từ lâu đời ở các vùng đồng bào dân tộc Mường sinh sống như tỉnh Hòa Bình và huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu đã trồng cây lưu niệm tại Làng dân tộc Mường. |
Tại Làng dân tộc Mông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức dựng cây nêu, mở Lễ hội Gầu Tào của người dân tộc Mông tỉnh Hà Giang. |
Đây là lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Mông, thường diễn ra vào dịp đầu Xuân. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho con cái, sức khỏe và làm ăn thuận lợi. |
Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến Xuân về không thể thiếu tiếng khèn, cùng với những trò chơi dân gian. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã tham dự trò chơi đánh yến, một nét văn hóa độc đáo của người Mông Hà Giang. |
Kết thúc lễ hội, Chủ tịch nước đã bắt tay thăm hỏi chúc tết đồng bào các dân tộc. |