(Tổ Quốc) - Chiều ngày 08 tháng 11, tại thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự các phiên họp của Hội nghị có lãnh đạo các nền kinh tế APEC: Ốt-xtrây-lia, Chi-lê, Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Pa-pua Niu Ghi-nê, Pê-ru, Phi-líp-pin và Hoa Kỳ; hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế và 800 doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC (CEO Summit). Ảnh: VGP |
Đây là hoạt động doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong Tuần lễ Cấp cao với sự tham dự và phát biểu của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, sau gần ba thập niên phát triển, APEC không chỉ chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo. Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai.
Nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp APEC còn đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại của cải, vật chất dồi dào hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.
Trong bức tranh tổng quan đó, với nguồn lực và tiềm năng to lớn về kinh tế, văn hóa, lịch sử, tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên con người, khu vực chúng ta đang đứng trước triển vọng tươi sáng. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050. Với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế thành viên, APEC có thể vươn cao hơn và đi xa hơn nữa, đem lại sự phồn vinh lớn hơn cho người dân trong khu vực, khẳng định thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” như dự báo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu lên một số vấn đề cấp bách của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực như:
Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.
Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.
Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, Quý vị cũng như hàng triệu doanh nghiệp khác ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng bày tỏ là cộng đồng doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt nhất, cộng đồng doanh nghiệp APEC chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng trong giai đoạn mới đầy biến động này.