(Tổ Quốc) - Sáng 26/3, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.
Cùng dự có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thu hút đầu tư để phát triển mạnh thương hiệu du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, sau đại dịch Covid-19, năm 2022 và quý I/2023, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, tương đối đồng đều trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 7,75%, trong đó: Nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng 2,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,66%; dịch vụ tăng 14,88%. Có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 775,9 triệu USD (tăng 23,09% so với năm 2021). Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.341,93 triệu USD (tăng 15,5% so với năm 2021).
Tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ sớm lập tổ công tác do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn về định giá đất, thời hạn sử dụng đất, tiếp tục triển khai các dự án bất động sản và thu hút các nhà đầu tư tới Bình Thuận, góp phần phát triển mạnh thương hiệu du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Bình Thuận có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, do đó cần đặc biệt chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực, mang bản sắc riêng của tỉnh và làm tốt hơn nữa công tác quảng bá sản phẩm du lịch, có thể tổ chức định kỳ festival đối với một loại hình hoặc một sản phẩm du lịch cụ thể để tạo thương hiệu riêng.
"Cùng với đó, cần tuyên truyền để mỗi người dân đều ý thức sâu sắc về việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, du lịch, bảo vệ môi trường" - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị.
Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức rất thành công lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Lễ Khai mạc được tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị rất chu đáo, công phu với nhiều tiết mục trình diễn ấn tượng.
Đặc biệt, tỉnh đã bố trí xe về các huyện đón Nhân dân về dự sự kiện, cho thấy sự quan tâm rất lớn của tỉnh với Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với khởi đầu như vậy, ngành du lịch của đất nước và của Bình Thuận sẽ tiếp tục khởi sắc, bứt phá.
Đánh giá phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đoàn kết, thống nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt khó và những thành tựu khá toàn diện của tỉnh Bình Thuận trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hoá, du lịch, chăm lo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân...
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với những đánh giá thẳng thắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương. Đồng thời lưu ý, năm 2023 với các địa phương đã là năm thứ ba của nhiệm kỳ, do đó, tỉnh Bình Thuận cần tập trung rà soát lại các chương trình, kế hoạch hành động, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, tận tụy phục vụ Nhân dân. Quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch cán bộ để giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử các cấp, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã tiến hành Kỳ họp bất thường để thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, do đó, các tỉnh phải khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch của tỉnh. Bình Thuận cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực.
Chú trọng gìn giữ phát triển văn hoá, gắn văn hóa với du lịch
Theo Chủ tịch Quốc hội, Bình Thuận cần xác định rõ hơn trong từng trụ cột phát triển thì tập trung làm gì, phải tính toán, nghiên cứu, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, tạo lập năng lực sản xuất mới để định hướng phát triển và có chiến lược để thu hút đầu tư.
Với trụ cột du lịch, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Bình Thuận phải có chiến lược về khai thác, phát huy các tài nguyên du lịch; tiếp tục cải thiện môi trường phát triển du lịch bao gồm cả về thể chế, hạ tầng mềm và hạ tầng cứng, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch...
Cùng với đó, Bình Thuận phải tăng cường liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực, liên kết giữa các ngành kinh tế phát huy cao nhất thế mạnh rất quan trọng của Bình Thuận là “nút giao thông” kết nối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với khu kinh tế trọng điểm Phía Nam; là “cửa ngõ” hướng biển của các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời là “cửa ngõ” giao lưu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội giữa các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh vùng động lực kinh tế phía Nam.
"Như vậy, liên kết kinh tế thế nào, liên kết du lịch ra sao phải tính toán rất kỹ trong bài toán quy hoạch của tỉnh, từ đó có chiến lược phát triển, thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển đồng bộ, hiện đại" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển văn hóa theo tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Cuối năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị lớn để bàn về thể chế cho phát triển văn hóa và định hướng sẽ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá.
"Bình Thuận là vùng đất có nền văn hóa rất đa dạng và phong phú của 35 dân tộc anh em nên càng phải chú trọng gìn giữ phát triển văn hoá, gắn văn hóa với du lịch, làm cho các giá trị văn hóa thấm đẫm trong đời sống xã hội" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đánh giá cao việc Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Nghị quyết chuyên đề về an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, “đổi mới, phát triển không thể thành công nếu không có sự tham gia của người dân. Vì thế, mọi người dân đều phải được thụ hưởng các thành quả của phát triển. Tinh thần này Bình Thuận đang thực hiện tốt, cần tiếp tục phát huy”.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, từ “cái khô, cái khó, cái khổ” trước đây, với tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc là những thành tựu khá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua; khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng; với sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Trung ương và tỉnh Bình Thuận, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ./.