(Tổ Quốc) - Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024...
Cần đánh giá rõ kinh tế tư nhân vừa qua phát triển như vậy đã trúng và đúng chưa?
Phát biểu tại phiên thảo luận, đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong năm 2023 mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Chính phủ điều hành thực hiện Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, với nỗ lực, quyết tâm rất lớn, chúng ta hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu.
Trong đó nổi bật nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ đã lấy lại đà tăng trưởng phục hồi, công tác điều hành bảo đảm ổn định được kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát.
Cán cân thương mại được quan tâm, cơ bản ổn định. Trong đó, nổi bật nhất là năm 2023, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng so với các nước trên thế giới, trong bối cảnh một số nước tăng trưởng âm, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
“Mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm 2023 là 6,5%, nhưng bằng mọi giải pháp điều hành, chỉ đạo linh hoạt, chúng ta đạt được mức tăng trưởng GDP 5,05% - đây là một nỗ lực rất lớn của đất nước ta”. Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với đó, đời sống của người dân ở thành thị cũng như ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tiếp tục được quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá rõ kinh tế tư nhân vừa qua phát triển như vậy đã trúng và đúng chưa? Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào để chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh phát triển vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là với những địa phương có công nghiệp phát triển lớn hiện nay, như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Theo đó, cần đánh giá rõ việc thu hút đầu tư nước ngoài tác động đến việc làm, đến thu ngân sách của địa phương như thế nào để đóng góp cho Trung ương…
Nhấn mạnh về một số kết quả trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số vấn đề còn băn khoăn, đó là kim ngạch xuất khẩu giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5%, trong khi năm 2022 là 7,2%; thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng; tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%.
Do đó, “chúng ta cần đánh giá cụ thể hơn các tác động đến tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước trong năm qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới; đồng thời quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn số rút lui khỏi thị trường
Tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 đạt 217,7 nghìn doanh nghiệp, 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 7,2% so với năm 2022) và 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn số rút lui khỏi thị trường (172,6 nghìn doanh nghiệp), cho thấy nền kinh tế từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, theo đại biểu, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%.
"Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, nhận định trên chưa đầy đủ, chưa nói hết được những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, tuyển dụng lao động, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn..." - đại biểu nhấn mạnh.
Cùng băn khoăn về tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, ĐBQH Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) cho rằng, đây là một trong những tín hiệu rất đáng quan tâm, đề nghị Chính phủ chú trọng những giải pháp cụ thể, quyết liệt, tập trung giải quyết để làm chuyển biến những chỉ số, con số trên.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị cần phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng về nguyên nhân và sự ảnh hưởng của số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn cả số lượng doanh nghiệp rút lui và ngừng hoạt động.
Bởi thực tế các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cần thời gian để tiếp cận và mở rộng, tìm kiếm thị trường cho việc phát triển. Trong khi những doanh nghiệp đã có sẵn thị trường nhất định thì lại rút lui và ngừng hoạt động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng, nuôi dưỡng các doanh nghiệp
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) nêu rõ, khép lại năm 2023 kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng GDP. Dù chưa đạt được mục tiêu nhưng mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Đây là nét khác biệt đáng tự hào về kết quả vượt khó của người dân, doanh nghiệp, sự điều hành, phối hợp linh hoạt, hiệu quả trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội.
Dù vậy, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế có độ mở lớn. Đại biểu Nguyễn Như So chỉ rõ, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế khu vực. Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, thiếu lao động có kỹ năng. Đại biểu cho rằng với tình hình này thì việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6% đến 6,5 % là vô cùng thách thức.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tiễn và mong mỏi của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội năm 2024 - năm bản lề và cần sự đột phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng, nuôi dưỡng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa.
Dẫn chứng số liệu về doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng các doanh nghiệp đang dần cạn kiệt. Điều này đặt ra câu hỏi chúng ta có thực sự cần đến số lượng 1,5 triệu doanh nghiệp không? Khi mà chất lượng thực sự, sức đề kháng của doanh nghiệp không đủ để chống chọi với những biến động của thị trường thế giới, không tạo ra việc làm, đóng góp vào phúc lợi xã hội. Do vậy, bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường cần tập trung vào đất đai, xây dựng thương hiệu.
Đại biểu Nguyễn Như So cũng cho rằng Chính phủ cần tập trung, quyết liệt giải quyết bài toán thiếu vốn và làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đại biểu chia sẻ, những năm qua các doanh nghiệp không đủ sức khỏe đã bị loại khỏi thị trường. Chỉ có những doanh nghiệp đủ tiềm năng về mặt tài chính lẫn sức mạnh về khoa học công nghệ mới chống chọi được. Do vậy, phải coi đối tượng này là những viên gạch đặt nền móng cho hạ tầng kinh tế vĩ mô và cần dùng những chính sách hỗ trợ bản được bảo vệ, duy trì nhằm tạo ra những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xã hội, vừa giúp cho nâng cao hiệu quả dòng tiền của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Các giải pháp về vốn, thuế, phí mang tính thời điểm về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, yên tâm đầu tư, hỗ trợ ít tốn kém nhất có tác động lan tỏa.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thực tiễn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, các cơ sở kinh doanh khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Mặc dù, nhiều chính sách của Chính phủ đề ra để tháo gỡ vấn đề này nhưng tăng trưởng vẫn còn thấp.
Như vậy cần có những quan tâm rất căn cơ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện trong việc tiếp cận được các nguồn lực cũng như tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh./.