• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Cần nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật

Thời sự 01/11/2020 20:26

(Tổ Quốc) - Sáng 1/11, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.

Chủ tịch Quốc hội: Cần nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật - Ảnh 1.

thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho ngành Tư pháp. Ảnh: Báo Pháp luật

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, 75 năm qua, ngành Tư pháp đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kịp thời đề xuất, tham mưu các chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng nền tảng pháp luật dân chủ nhân dân; dùng công cụ pháp luật để bảo vệ chính quyền, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đặc biệt, cùng với việc nâng cao chất lượng, tính dự báo của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành 65 luật, trong đó có những đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, trong đó chú trọng thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn; cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; thủ tục hành chính được cải thiện.

Cùng với đó, chất lượng công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều quy định, văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo đã được xử lý, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân.

Với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế về đầu tư, thương mại, Bộ Tư pháp đã bảo vệ thành công một số vụ kiện, góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

Cho rằng, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Tư pháp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

"Từng cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong tổ chức, đổi mới nội dung các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Tư pháp cần tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với hai nội dung rất quan trọng về cải cách tư pháp và Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai hiệu quả, thiết thực các Kết luận của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.

Từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hơn 70 dự án luật, pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Trong đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua các bộ luật rường cột của đất nước, đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được nâng cao, chú trọng hơn vào tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của văn bản; kiên quyết loại bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, phụ cấp đặc thù, thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý ngành, lĩnh vực... Trong giai đoạn này, toàn Ngành tổ chức thẩm định 39.558 dự thảo VBQPPL (Bộ Tư pháp thẩm định 3.085 dự thảo, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp thẩm định 34.118 dự thảo, Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 2.355 dự thảo)…


Bảo Trân (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ