• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Cần thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật

Thời sự 17/09/2024 18:36

(Tổ Quốc) - Sáng 17/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội: Cần thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 03/12/2024. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến 12/11/2024; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến 03/12/2024. Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ tiến hành thảo luận để thống nhất về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8; việc chuẩn bị nội dung những dự án luật, nghị quyết đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 (nhất là những dự án luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp theo quy trình rút gọn).

Xóa bỏ cơ chế xin - cho; không tạo môi trường dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ thời gian qua.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tăng cường phối hợp ngay từ khâu soạn thảo dự thảo văn bản với tinh thần "vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó". Hai bên chia sẻ, cung cấp tài liệu; các bộ, ngành chủ động làm việc với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với tinh thần tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác xây dựng pháp luật ngoài việc phải thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng một cách nghiêm túc để tổ chức thực hiện thì cần tiếp tục đổi mới tư duy từ tập trung cho công tác quản lý sang vừa tập trung quản lý hiệu quả, vừa góp phần kiến tạo sự phát triển; đổi mới ngay trong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, mở ra không gian kiến tạo cho sự phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội: Cần thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng lưu ý, các cơ quan có thể nghiên cứu, đề xuất vấn đề nào cần quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng; vấn đề nào tác động nhiều, chưa ổn định thì khái quát; trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện. "Tinh thần là cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa. Cái gì chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, diễn biến phức tạp, khó lường thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến việc tập trung cho phân cấp, phân quyền; đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định của mình; chịu trách nhiệm vấn đề hậu kiểm. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội xây dựng chính sách, định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra. Việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kiểm tra cho tốt. Tinh thần là phân cấp triệt để, tăng cường chịu trách nhiệm, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin - cho; không tạo môi trường dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Cơ bản thống nhất với chương trình Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tích cực phối hợp chặt chẽ để giải quyết các điểm nghẽn, ách tắc. Các bộ trưởng, trưởng ngành nắm bắt tình hình với tinh thần cao nhất, vừa nâng cao chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ các nội dung trình Quốc hội. Hai bên cùng nhau rà soát lại, phát huy tinh thần trách nhiệm để giải quyết theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh. Những vấn đề nào vượt thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì mới xin chủ trương của Bộ Chính trị. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

"Khó đến đâu, gỡ đến đó"

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt lưu ý, cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề và cho đến thời điểm này chưa thống kê hết những thiệt hại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại thêm khó khăn mới, thách thức mới. Chính phủ phải đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát và tăng giá các mặt hàng để đảm bảo đời sống cho người dân.

"Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Cần thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tất cả trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn. Tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các cơ quan Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu các dự án luật, nghị quyết mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trước hết là do các cơ quan của Chính phủ chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, thực chất, chất lượng và hiệu quả.

"Luật, nghị quyết có chất lượng hay không thì trước hết phải xuất phát từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và Chính phủ. Khi Chính phủ trình sang đây thì trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, thực chất để đạt hiệu quả cao nhất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với những người đứng đầu các bộ, ngành cần phải đeo bám các dự án luật, nghị quyết đến cùng. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ... để những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các cơ quan thẩm tra và soạn thảo sẽ được thực hiện theo tinh thần "khó đến đâu, gỡ đến đó".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan soạn thảo cần phải gửi tài liệu đến Quốc hội trước ngày 1/10; trong đó đặc biệt quan tâm 6 nội dung trình tại 1 kỳ họp phải đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ quan soạn thảo cần tăng tốc hoàn thiện các hồ sơ trình Quốc hội. Về phần mình, khi có các dự án luật, nghị quyết, Quốc hội sẽ làm ngày, làm đêm, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật để kịp thời xem xét các hồ sơ, dự án, nếu đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng thì sẽ trình Quốc hội./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ