• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Đất đai là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất

Thời sự 04/03/2023 16:15

(Tổ Quốc) - Sáng 4/3, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội: Đất đai là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Đất đai là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số vấn đề đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tập trung đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật để Luật này khi thông qua được vận hành thông suốt trong thực tiễn.

Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất là về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là việc minh định giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Hai là, thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18-NQ/TW liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai. Thời gian qua cũng có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.

Ba là, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật đất đai có hiệu lực thi hành...

Bốn là, về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Năm là, về chế độ sử dụng các loại đất.

Sáu là, vấn đề bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật bởi qua rà soát của Chính phủ có 22 luật, bộ luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai. Lưu ý điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đây cũng là vấn đề rất khó trong quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau.

Cần có chế tài đủ mạnh để phòng, chống tiêu cực trong định giá đất

Tại Tọa đàm, đề cập đến vấn đề phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong dự thảo Luật Đất đai, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định tại dự thảo Luật chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm đã được nêu trong Tờ trình dự án Luật. 

Cụ thể, Tờ trình nêu quan điểm “Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Nhân dân”. Nhưng Điều 21 dự thảo Luật mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai.

Do đó, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị thể hiện lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì là phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ, tức là việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; những vấn đề gì cả hai cùng làm. “Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các Chương sau”, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Về cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất theo nguyên tắc thị trường, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Nhà nước ta được Hiến pháp giao quyền đại diện pháp lý của chủ sở hữu toàn dân và được toàn dân ủy quyền quản lý đất đai theo Luật Đất đai.

Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước là tìm cách sử dụng quỹ đất của quốc gia có hiệu quả cao nhất, đồng thời chia lợi ích từ việc sử dụng đất đó cho công dân và các nhà đầu tư vừa theo nguyên tắc thị trường (mua bán thỏa thuận dân chủ), vừa theo nguyên tắc công bằng giữa các công dân, giữa người đang có quyền sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi và nhà đầu tư nhận đất, giữa người sử dụng đất và cơ quan nhà nước... 

“Các giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất cần dựa trên giá cụ thể được cơ quan tư vấn độc lập xác định bằng các phương pháp khoa học đi đôi với thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch và đối xử công bằng về lợi ích với các bên liên quan”, PGS. TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cũng đề nghị phải có cơ chế và chế tài đủ mạnh trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực và kiểm soát quyền lực hiệu quả để cán bộ quản lý đất đai không thể câu kết với các tổ chức tư vấn độc lập để định giá quyền sử dụng đất có lợi cho bên nhận./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ