(Tổ Quốc) - “Ngay đợt dịch Covid-19 này, bộ đội Biên phòng vất vả lắm, ngủ lán trại, ở đường mòn, lối mở. Đồn là nhà nhưng có được sống trong đồn đâu”, Chủ tịch Quốc hội cho biết khi đề nghị quan tâm chính sách đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng được quy định trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, sáng 25/3.
Sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Khi đề nghị quan tâm chính sách đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng được quy định trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, lực lượng biên phòng có vai trò rất quan trọng, là nòng cốt chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cán bộ chiến sĩ còn có nhiều nhiệm vụ khác như giáo dục, y tế, tham gia tăng cường cán bộ chủ chốt ở cơ sở, giúp dân, sống cùng dân. Do đó, luật cần thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về chính sách với những người sống xa nhà, nơi biên cương của Tổ quốc.
“Ngay đợt dịch Covid-19 này, bộ đội Biên phòng vất vả lắm, ngủ lán trại, ở đường mòn, lối mở. Đồn là nhà nhưng có được sống trong đồn đâu”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, chính sách biên phòng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng tầm quan hệ đối nội và đối ngoại. Và thực tế trong thời gian qua vấn đề này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó có việc xây dựng cơ bản các đồn biên phòng trên tuyến biên giới.
Đề cập chính sách đối với lực lượng biên phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn về trách nhiệm của địa phương.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Muốn người ta ở lại quê hương cống hiến thì vấn đề đất ở, đất sản xuất, canh tác ra làm sao để họ trụ vững. Đây là vấn đề rất lớn, cần có trách nhiệm của địa phương”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà cũng nói thêm, vấn đề biên phòng còn cần sự chung sức của người dân, trong đó có những người uy tín trong cộng đồng, bản làng. Do đó, để vận động tốt thì luật cũng cần thể hiện chính sách quan tâm.
Một số ý kiến khác cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng, xây dựng biên giới quốc gia là chiến lược lâu dài trong dựng nước và giữ nước, nhất là đối với địa chính trị của nước ta. Do đó, cần tiếp tục quan tâm củng cố và việc ban hành luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết.
Kết luận phần thảo luận dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, công tác Biên phòng là công tác Quốc phòng - An ninh rất quan trọng, cần rà soát thật kỹ.
Luật Biên phòng Việt Nam cần có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài Luật Biên giới quốc gia còn có 10 đạo luật liên quan đến biên giới, biên phòng, nên ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của TVQH, làm rõ nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, tiếp tục rà soát kỹ lại những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm; nhất là chế độ chính sách cho bộ đội biên phòng. Sau khi Ủy ban TVQH tiếp thu ý kiến, dự án Luật này sẽ hoàn thiện, chỉnh lý và sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp tới.
Trước đó, trình bày Tờ trình về dự án luật, Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã hoạch định, ký kết các hiệp định về biên giới, cửa khẩu với các nước có chung đường biên giới.
Tình hình thực tế đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.