• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước

Thực hiện: Thế Công | 11/02/2024

(Tổ Quốc) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tính đến Kỳ họp thứ 6, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (đạt 83,21%). Đây là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước...

Chủ tịch Quốc hội: Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước

Trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội trong năm 2023 có thể nói là “nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay”.

Đó là việc tổ chức thành công 5 kỳ họp Quốc hội với 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường; 16 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 để tiếp thu, giải trình các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại 2 kỳ họp thường kỳ của Quốc hội. Như vậy, số lượng kỳ họp của riêng năm 2023 đã bằng số lượng kỳ họp của nửa nhiệm kỳ Quốc hội.

Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, với sáng kiến bố trí, sắp xếp thành hai đợt họp của mỗi kỳ cho thấy sự linh hoạt, thích nghi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2023 cũng là năm có nhiều “lần đầu tiên” như: Tổ chức thành công Giải Diên Hồng lần thứ nhất; chuẩn bị cho lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ hai (diễn ra vào tháng 1/2024); Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm quán triệt quan điểm và chỉ đạo của Trung ương là “gắn chặt việc xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”; Diễn đàn Người lao động; Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”… Trong đó, một số sự kiện đã được bình chọn là sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023.

"Có thể thấy khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Mặc dù công việc nhiều, áp lực lớn, theo tôi, điều đáng quý nhất là mỗi cán bộ, đại biểu Quốc hội…đều cảm thấy vui trong việc đóng góp công sức của mình vào công việc chung. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đều ở trong guồng công việc, sự cố gắng, nỗ lực chung này" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân - là trung tâm của hoạt động Quốc hội. Qua các nhiệm kỳ, hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng có những chuyển biến tích cực gắn với đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Xuyên suốt tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, phát biểu sâu sắc, đa chiều trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, số lượng đại biểu đăng ký tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn rất lớn, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Có thể thấy, tinh thần đổi mới ở nghị trường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; cho thấy những nỗ lực trong thực hiện lời hứa với cử tri.

Về công tác lập pháp, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW (năm 2021) về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ.

Khắc phục được tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tính đến Kỳ họp thứ 6, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (đạt 83,21%).

Đây là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Từ kết quả trên cho thấy chúng ta đã và đang khắc phục được tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo” trên tinh thần chủ động từ sớm, từ xa. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết và phát triển trong 78 năm Quốc hội Việt Nam.

Nhìn lại năm 2023, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một “điểm sáng”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không chỉ giám sát theo kiểu “hậu kiểm”, mà đặt trọng tâm giám sát ngay những vấn đề đang được triển khai, từ đó Quốc hội cùng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm qua có nhiều dấu ấn nổi bật

Năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

Để ra được những quyết sách kịp thời như thế này xuất phát từ việc chuẩn bị “từ sớm, từ xa”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, giám sát đã được xác định là một nội dung trọng tâm và then chốt. Thực hiện tốt chức năng giám sát sẽ tác động tích cực tới việc thực hiện các chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Chia sẻ về một số nhiệm vụ trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cũng đã đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.

Theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ kịp thời, trong thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết.

Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với số vốn đầu tư rất lớn. Sáu dự án này đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua.

Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục trên tinh thần đó. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp 21 dự án giao thông trọng điểm khác của đất nước rút ngắn đáng kể thời gian, tăng tốc tiến độ dự án.

Vừa qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét, xử lý và báo cáo kết quả vào Kỳ họp thứ 7, có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận công chức, viên chức. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Kết quả của tổng rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình cải cách hành chính. Từ đó, năm 2024, chúng ta tiếp tục thực hiện tổng rà soát về thủ tục hành chính.

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội; sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Quốc hội cùng với hệ thống chính trị tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…

"Tất cả đều nhằm mục đích khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá chính xác nhất phải từ chính cử tri và người dân

Tiếp tục đổi mới là nhu cầu của cuộc sống và trách nhiệm phải làm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, việc kế thừa, giữ được phong độ như các khóa trước đã khó, lại còn tiếp tục đổi mới và tiến lên phía trước dù nửa bước càng khó, nhưng không được phép dừng lại.

Trong đó công tác đại biểu phải được quan tâm hàng đầu vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng khóa này đang thực hiện là hết sức quan tâm chăm lo quy hoạch, xây dựng đội ngũ đại biểu Quốc hội cho khóa sau, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Theo ông Vương Đình Huệ, cơ quan có thẩm quyền cho khóa XV 133 đại biểu chuyên trách nhưng chuẩn bị không đủ số lượng, chưa kể một số không trúng cử. Do đó, năm 2023, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đề nghị tất cả các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, cơ quan Trung ương và tỉnh uỷ, thành ủy giới thiệu nhân sự cho Quốc hội vào các chức danh đại biểu chuyên trách, ủy viên chuyên trách, ủy viên thường trực, chức danh lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội. Kết quả ngoài mong đợi khi có 1.000 nhân sự được giới thiệu, qua sàng lọc đã lựa chọn 300 người để bổ sung vào nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa XVI.

Chủ tịch Quốc hội: Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“1.000 nhân sự được giới thiệu đều là “tinh hoa”, có số đang là đại biểu đương chức, nhất là các phó đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, rồi nhiều lãnh đạo, kể cả cấp thứ trưởng. Nguồn đại biểu Quốc hội đang được chuẩn bị bài bản, theo hướng tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Khóa này đã tốt rồi thì khóa sau phải chu đáo, đầy đủ hơn. Chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội, làm sao phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng tính pháp quyền” – ông Vương Đình Huệ nói.

Đánh giá chung chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên, phát huy tốt vai trò, trí tuệ, trách nhiệm, xây dựng, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, đánh giá chính xác nhất phải từ chính cử tri và người dân. Và Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để nhận được sự ghi nhận đó, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ