(Tổ Quốc) - Nhân Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chiều 15/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt nữ ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và nữ lãnh đạo quản lý thuộc Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.
Luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng, đóng góp vào những bước tiến, đổi mới, thành công trong hoạt động của Quốc hội
Báo cáo tại cuộc gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV cho biết, với sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Quốc hội nói riêng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung, trong suốt chặng đường gần 80 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, các thế hệ nữ đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình, đóng góp vào những bước tiến, đổi mới, thành công trong hoạt động của Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV có 149 nữ đại biểu, đạt tỷ lệ 30,98%, tăng so với Khóa XII, XIII, XIV. Việt Nam đứng thứ 51 thế giới, thứ 4 Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện các nước ASEAN về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
"Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú từ các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đến các hoạt động đối ngoại, hoạt động từ thiện, an sinh, văn hóa, xã hội, Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu, kết quả tích cực, được ghi nhận cả ở trong và ngoài nước.
Vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong lĩnh vực giới và trao quyền cho phụ nữ luôn được thể hiện tại các diễn đàn đa phương trong khu vực (Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), vùng châu Á – Thái Bình Dương của Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF)" - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Đặc biệt, ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Đây là sự ghi nhận quan trọng từ cộng đồng quốc tế trước các bước tiến của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định, sự quan tâm, ủng hộ của các Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đã, đang và sẽ là nguồn động lực to lớn, khích lệ các nữ đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần trách nhiệm cao để thể hiện tiếng nói của phụ nữ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa những yêu cầu mới trong hoạt động của Quốc hội; tiếp tục là cầu nối để gắn kết với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cầu nối gắn kết Quốc hội với cử tri.
"Mỗi nữ đại biểu Quốc hội, cán bộ lãnh đạo nữ dù ở cương vị công tác nào, bằng trách nhiệm, tâm huyết và tinh thần của người đại biểu nhân dân, bằng trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của bản thân, bằng ý chí, nghị lực khắc phục khó khăn, sẽ cố gắng trau dồi, nâng cao bản lĩnh và kỹ năng hoạt động, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp chung của đất nước; xứng đáng với sự tin tưởng của các lãnh đạo, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ đã từng trao tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”", Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Xứng đáng với 8 chữ Vàng mà Bác Hồ đã trao tặng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang"
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, biểu dương và trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của nữ đại biểu Quốc hội nói chung, nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương nói riêng cùng các nữ Vụ trưởng, nữ công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam dù ở bất cứ cương vị nào cũng luôn phát huy truyền thống, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, nhân hậu, đức hy sinh, sự khéo léo, chăm chỉ, tỉ mỉ và luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, xứng đáng với 8 chữ Vàng mà Bác Hồ đã trao tặng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".
Điểm lại những thành quả nổi bật của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trong đó có các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách, các nữ Vụ trưởng, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2025 là năm “tăng tốc” tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiến tới chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Quốc hội cũng chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và hiện nay, các cơ quan của Quốc hội đang khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21/10 tới.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách, các nữ Vụ trưởng, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, trong đó, tập trung đóng góp ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định thông qua các dự án luật, nghị quyết, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật...
Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng cơ quan của Quốc hội trong sạch, vững mạnh, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, phát triển đội ngũ cán bộ nữ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư ngày 20/1/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn các nữ đại biểu Quốc hội, nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, trở thành một khối vững mạnh; phát huy cao độ trí tuệ, trách nhiệm, nhiệt huyết, tài năng và bản lĩnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.