(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại phiên họp thứ 36, sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị) giai đoạn 2018-2023.
Nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%). Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa đầy đủ, kịp thời. Sắp xếp, tổ chức chủ yếu còn mang tính cơ học; tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023.
Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao...
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo kết quả của đoàn giám sát, việc sắp xếp lại các đơn vị rất tích cực, số lượng đã vượt yêu cầu đề ra và biên chế của viên chức của các đơn vị cũng giảm hơn so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2021 kết quả rất tích cực nhưng 2021-2023 đang có xu hướng chậm lại, chỉ được 1,75%.
Việc này giống như cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó các đơn vị có điều kiện, có khả năng làm rất nhanh, tốt, nhưng đơn vị còn lại đang có vướng mắc, bất cập. Trong vấn đề này phải làm rõ, có giải pháp quyết liệt như cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp mới đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Giám sát nhiều nhưng quan trọng là khắc phục
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì cho rằng, vấn đề quan trọng nhất phải làm sao thấy được hạn chế, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. "Giám sát nhiều nhưng quan trọng là khắc phục, ai chủ trì để khắc phục. Khắc phục cái gì, khắc phục thế nào", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về "độ trễ, chậm" như báo cáo đánh giá. Cụ thể, chậm trong thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, còn 88 nội dung theo yêu cầu chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 19 của Trung ương chưa được ban hành.
Còn mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí hiệu lực còn mâu thuẫn lẫn nhau. Vì vậy ông đề nghị sắp tới trong nghị quyết có danh mục 88 nội dung này nằm ở Chính phủ, bộ ngành, đơn vị nào để tới đây khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức khoa học kỹ thuật, xuất bản, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông...đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chậm đổi mới...
Đặt vấn đề các giải pháp đã thực sự đủ mạnh, đã bao trùm, giải quyết đến nơi, đến chốn và khắc phục dứt điểm các điểm hạn chế, tồn tại báo cáo giám sát đã chỉ ra hay chưa, từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 điểm nghẽn. Thứ nhất, giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ.
Thứ ba, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cơ chế, chính sách để các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bình đẳng với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.
Cùng cho ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu việc dự thảo Nghị quyết đề cập đến 88 nội dung theo yêu cầu trong chương trình hành động của Chính phủ chưa được ban hành. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị làm rõ 88 nội dung này là trên tổng số bao nhiêu nội dung, phải làm rõ tỷ lệ này để đánh giá cụ thể hơn./.