• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực

Thời sự 13/12/2023 19:40

(Tổ Quốc) - Ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 28. Phiên họp diễn ra trong 3 ngày 13,14 và 18/12 với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội: Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 6, theo thông lệ sẽ đánh giá toàn diện trên cơ sở ý kiến đại biểu và cử tri xem có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm, đặc biệt cần đổi mới gì để nâng cao hiệu quả của kỳ họp.

Liên quan nội dung cho ý kiến sơ bộ về chuẩn bị kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), ông Vương Đình Huệ nêu rõ, vừa qua có hai dự án luật quan trọng Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị nhằm đảm bảo chất lượng của các dự án luật, đó là Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Ngoài ra còn có quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như một số nội dung về tài chính, ngân sách còn tồn đọng thuộc quyền hạn của Quốc hội. Vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội, phải tính đến khả năng có 1 kỳ họp chuyên đề (bất thường) để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách trước mắt.

Chủ tịch Quốc hội: Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên họp

“Thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều, nếu có kỳ họp bất thường thì đâu đó trung tuần tháng 1/2024. Để đẩy nhanh công tác chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể họp thêm những phiên không thường kỳ”, ông Vương Đình Huệ nói.

Một nội dung khác rất quan trọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Nhấn mạnh công tác lập pháp phải kỹ lưỡng ngay từ vòng đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung nào đủ điều kiện thì trình, còn chưa đủ điều kiện thì dứt khoát chưa đưa vào chương trình mà cần chuẩn bị chất lượng hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Liên quan nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, định hướng là tăng cường công tác giám sát, các hình thức giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Bởi lẽ, hiện chưa có có quy định cụ thể về trình tự, cách thức tổ chức cũng như hiệu lực, hiệu quả các phiên giải trình trong khi đây là hoạt động thường xuyên, cần mở rộng.

“Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực. Vấn đề giải trình nổi lên rất nhanh nên cách thức chuẩn bị thế nào, chứ chuẩn bị từ 3 đến 4 tháng thì công việc trôi qua mất rồi. Do đó cần quy định rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén như yêu cầu của Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng nhà nước pháp quyền” – ông Vương Đình Huệ nói.

Ngoài ra, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng về tài chính, ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự.

Không được nợ tiêu chí khi thành lập đơn vị hành chính, nâng cấp đô thị

Tiếp theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc trình thành lập đơn vị hành chính, nâng cấp đô thị liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính do đó thẩm tra phải khẳng định phù hợp quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về thành lập đô thị cũng nêu rõ không được nợ tiêu chí.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hồ sơ đã bám sát theo đúng quy định, nghị quyết và quy hoạch tỉnh, đô thị đã được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm, đến tới điểm này 56/56 địa phương đã gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã.

Chủ tịch Quốc hội: Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực - Ảnh 3.

Theo rà soát thì có 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, có tâm lý và thực tế triển khai không thực sự quyết liệt nên qua tổng hợp các phương án của 56 địa phương thì có thể chỉ đảm bảo giảm được 50% theo yêu cầu, còn lại căn cứ các tiêu chí đưa vào diện đặc thù để không sắp xếp.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định định cho biết, Ủy ban Pháp luật quá trình thẩm tra các đề án có nêu một số ý kiến lưu ý Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Chủ tịch Quốc hội: Kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung làm việc.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ Nội vụ soạn thông báo gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đúng Kết luận 48, Nghị quyết 35, Nghị quyết 117, đảm bảo như yêu cầu đặt ra” – ông Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự phù hợp về quy hoạch, thành lập đô thị không nợ tiêu chí, nhập nông thôn vào đô thị phải có đề án riêng; sắp xếp kết nối giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030 đảm bảo tính đồng bộ.

./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ