• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội lo ngại tình trạng "chạy chọt" trong sử dụng sách giáo khoa

Thời sự 13/03/2019 06:42

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi diễn ra hôm 12/3.

Chủ tịch Quốc hội lo ngại tình trạng chạy chọt trong sử dụng sách giáo khoa - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi họp sáng 12/3. (Nguồn: Zing.vn)

Sáng 12/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề soạn thảo, sử dụng sách giáo khoa khi có nhiều tổ chức cùng tham gia biên soạn nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn về một số khó khăn và tiêu cực có thể xảy ra trong lựa chọn sách giáo khoa theo quy định mới. Nghị quyết 88 nêu rõ định hướng thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những môn học như lịch sử, địa lý… không thể có nhiều bộ sách giáo khoa. Các chuyên gia muốn nhiều bộ sách giáo khoa thì phải quy định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc thẩm định, phát hành. Ngoài ra, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa nhưng các trường không sử dụng thì phải xem xét vai trò của Bộ trong việc này...

"Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng "chạy" sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí!", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng bàn về sách giáo khoa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét: "Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng dự luật đến nay vẫn chưa thể hiện trách nhiệm của Bộ GD&ĐT với việc làm bộ sách "chuẩn" cũng như việc tổ chức quản lý sử dụng để đảm bảo bình đẳng, công bằng với các chủ thể biên soạn sách giáo khoa khác.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh đến sự lãng phí trong in ấn sách.

Bà đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục làm rõ nghi ngại Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa.

"Tại sao bây giờ khác với thế hệ trước, một bộ sách giáo khoa không còn dùng được 2-3 thế hệ, năm nay anh học, năm sau em học?

...Chúng tôi phản ánh lại ý kiến cử tri cần làm rõ vì sao mỗi năm để phí tới 100 triệu bản sách giáo khoa. Tính ra một năm mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng được. Tại sao lại ghi bài tập vào sách?", bà Nga đặt câu hỏi.

Đại diện cơ quan thẩm định, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, cách học và cách dạy hiện nay đã thay đổi từ giảng dạy kiến thức sang đào tạo năng lực. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là phương tiện. Học sinh có thể dùng sách giáo khoa hoặc tài liệu trên mạng Internet.

Bộ GD&ĐT với trách nhiệm của mình sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông quy định cụ thể học những gì. Từ chương trình này, phía soạn thảo mới viết sách giáo khoa và phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Bộ trưởng GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm về chương trình, chất lượng sách giáo khoa. Việc lựa chọn bộ sách nào thuộc cơ sở giáo dục.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận của UBTVQH tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa trước khi thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4/4 tới.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ