(Tổ Quốc) - Chiều 3/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II, giai đoạn 2021 – 2030.
Cùng dự buổi gặp mặt có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng là người dân tộc thiểu số và 100 đại biểu đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam tham dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nguyên tắc cơ bản nhất của công tác dân tộc là: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Nội dung nguyên tắc này đã được Hiến định tại Điều 5 của Hiến pháp năm 2013.
Trên cơ sở đó, dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong giai đoạn vừa qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Nổi bật là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn đã được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn.
Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, là một điểm sáng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn, bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt kết quả bước đầu quan trọng; chính sách hỗ trợ cho con em ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm.
Cùng với đó, sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị, đội ngũ và chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh của người dân...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cũng đạt được kết quả rõ nét hơn. Tiếp tục được cấp có thẩm quyền công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Chủ tịch Nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số. Ngày hội văn hóa của các dân tộc thiểu số đã tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái, giữa các dân tộc với nhau. Nhờ đó, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát triển.
Đồng bào tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới ở các buôn làng. Vai trò của các già làng trưởng bản ngày càng được phát huy. Phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được quan tâm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên rõ rệt. Qua việc phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, bão lũ, sạt lở đất vừa qua, hơn bao giờ hết, chúng ta càng trân quý sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào với nhau.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua; đồng thời đề nghị những đại biểu tiêu biểu ưu tú hôm nay sẽ là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn. Đó là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ vun đắp; từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thật tốt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu giảm dần tiến tới không còn địa bàn đặc biệt khó khăn vào năm 2030. Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, chúng ta phải đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đặc biệt phải kiên quyết bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phòng chống bệnh tật để nâng cao thể trạng, trí tuệ và tầm vóc con cháu chúng ta. Bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.
Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số làm tốt hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng với các cơ quan chức năng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển...
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, diễn đàn Quốc hội cũng nóng bởi vấn đề trồng rừng, chăm sóc rừng và các chính sách cho đồng bào phải sống được vì rừng. Đặc biệt, trong đợt thiên tai, bão lũ vừa qua, chúng ta cũng đã rút ra một bài học xương máu đó là, nếu chúng ta không giữ được rừng, không giữ được hệ sinh thủy, xâm hại hệ sinh thái rừng thì đời sống của đồng bào luôn bị bấp bênh và tại họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vì thế, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào có thu nhập tốt hơn, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, đồng bào các dân tộc phải thường xuyên nhắc nhớ lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Từ đó, mỗi một suy nghĩ, hành động đều phải hướng tới củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng lên tầm cao mới; kết nối đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng đất nước ngày càng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.