(Tổ Quốc) - 'Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch. Qua đây mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh
Sáng 23/3, báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương với Trung Quốc. Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ hợp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quôc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.
Theo Phó Thủ Tướng, ngay từ giữa tháng 12/2019, khi chưa có thông tin rõ rệt về căn bệnh này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, trong đó giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị dịch bệnh...; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Khi có thông tin về ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán và nguy cơ lây lan của căn bệnh này, ngày 16/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế (phối hợp với WHO) khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác cách ly, xét nghiệm, khám, điều trị.
Ngày 23/01/2020 (29 Tết), Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rầy, Tp. Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện và Chỉ thị trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch được thành lập.
Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có công văn trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc. Xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thân là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.
Dù vậy, báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, thực tế vừa qua cũng chỉ ra những vấn đề cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm như công tác truyền thông có thời điểm, có nơi còn chưa thật tốt, gây hoang mang trong xã hội (như thời điểm xuất hiện ca bệnh thứ 17). Việc quản lý, mua sắm, sản xuất vật tư, thiết bị (ví dụ khẩu trang y tế) còn không ít vướng mắc, chậm trễ do quá cứng nhắc trong áp dụng các quy định; có nơi chưa quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Việc điều chỉnh chương trình, thời gian, phương thức học (qua mạng) của học sinh còn chưa thật chủ động, thống nhất. Cơ chế phối hợp liên ngành trong một số khâu, địa điểm (ví dụ tại sân bay) còn chưa nhuần nhuyễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, tình hình hiện nay đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể phù hợp. Việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).
Do tình hình dịch và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước, nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.
Vì vậy, ngoài các giải pháp như đã thực hiện ở giai đoạn trước đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải tăng cường, chú trọng hơn các nhóm giải pháp như: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.
Việc tăng cường năng lực xét nghiệm là rất cấp bách. Hiện ta đã chủ động được kit thử nhưng số lượng phòng xét nghiệm, máy móc, chuyên gia xét nghiệm còn rất ít so với các nước phát triển và so với yêu cầu.
Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền, y tế cơ sở trong việc tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn phân nhóm người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt chú ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật để có sự hỗ trợ y tế cần thiết tại chỗ.
Bảo đảm cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị cho tình huống nhiều người phải cách ly (tập trung, tại gia đình), nhiều người mắc bệnh để thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả, giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh, đồng thời vẫn phải bảo đảm điều trị đối với các bệnh nhân khác...
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để người dân chủ động tham gia chống dịch, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt lành mạnh trong điều kiện có dịch. Tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng với đất nước; đấu tranh chống lại các tin độc, tin xấu, các thế lực lợi dụng chống phá.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế thấp nhất số người tử vong.
Qua chống dịch mới thấy hết tình đoàn kết
Đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và quyết tâm của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp, Chính phủ vừa tập trung chỉ đạo khống chế dịch bệnh nhưng cũng tập trung đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH.
Bày tỏ cảm ơn đến những người nơi tuyến đầu chống dịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn nhiều số liệu thể hiện sự ấn tượng của Việt Nam trong công tác chống dịch.
Đó là gần 7000 người ở vùng dịch được đón về nước; hàng trăm tiếp viên hàng không đăng ký xin tạm nghỉ không lương để chia sẻ khó khăn với đơn vị; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu ở Hà Nội xin đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần chống dịch. Hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ ngủ bạt, nằm rừng để ngăn dịch, nhường chăn gối, giường cho người đi cách ly. Các suất ăn cho người cách ly được đảm bảo và miễn phí...
“UBTVQH khẳng định luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch. Qua đây mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, trong đó không để tình trạng ỷ lại trong thực hiện các nhiệm vụ, lấy ly do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm. Tinh thần là ở nhà cũng làm việc chứ không phải nghỉ ngơi.
Về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị có sự điều chỉnh hợp lý, nhất là công tác giám sát để góp phần phòng chống dịch bệnh, không bố trí đoàn về các địa phương, trừ nội dung giám sát tối cao đang được tiến hành; đồng thời kêu gọi toàn dân tương thân tương ái, chung tay cùng phòng chống dịch với tinh thần nhà nhà chống dịch, người người chống dịch.
Liên quan đến nội dung kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số dự án luật còn có ý kiến khác nhau như: Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); cho ý kiến (lần 2) về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao; cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.
Cho ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.