(Tổ Quốc) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong điều kiện khó khăn, Quốc hội nên có giải pháp đặc biệt để sử dụng nguồn vốn linh hoạt từ cả Trung ương và địa phương. Việc này tùy theo khả năng đóng góp của các địa phương bởi “tình huống đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt”.
Ngày 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các DA xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong điều kiện khó khăn, Quốc hội nên có giải pháp đặc biệt để sử dụng nguồn vốn linh hoạt từ cả trung ương và địa phương. Việc này tùy theo khả năng đóng góp của các địa phương bởi “tình huống đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt”.
Đường Vành đai 3 giao cho TP.HCM làm đầu mối, Vành đai 4 giao cho Hà Nội làm đầu mối. Riêng 3 dự án đường bộ cao tốc do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình, có những đoạn, những dự án nằm cả 2 tỉnh thì giao cho Bộ GTVT phụ trách, còn dự án nào nằm trọn tỉnh nào thì tỉnh đó phụ trách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đã có cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Nghị quyết Quốc hội cũng sẽ ghi các yêu cầu này.
"Chúng ta trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm. Người nào quyết định người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ định thầu "anh" nhưng năng lực của anh không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Về ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường vành đai, Chủ tịch Quốc hội khẳng định không nên đặt ra vì “đụng” nghị quyết Trung ương. Quốc hội cũng yêu cầu không cho dùng vào việc khác và Chính phủ cũng đang rà soát các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần. Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho 1 năm trong khi phải chi hàng năm. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương.
Còn về đề nghị cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, Chủ tịch Quốc hội cho biết luật không cho phép, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Lưu Quang (Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng) cũng cho rằng khi Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án thì cần tăng cường kiểm tra, giam sát, kiểm toán để không xảy ra trục trặc, tránh sau khi thực hiện dự án lại liên quan kỷ luật, sai sót.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng, bên cạnh áp dụng chính sách đặc thù thì phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoàn thành dự án, cơ chế được áp dụng đúng, chính xác, tránh sai sót xảy ra.
Trong khi đó, đại biểu Đào Hồng Lan (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) cho biết, 5 dự án giao thông là động lực để tập trung cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong giai đoạn sắp tới.
Đối với 2 dự án đường vành đai, đại biểu Đào Hồng Lan khẳng định đây là những dự án cơ sở hạ tầng giao thông rất quan trọng, có tác dụng tích cực kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông cho 2 đô thị Hà Nội và TP.HCM. Các dự án giúp kết nội Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh xung quanh, tạo liên kết vùng rộng mở cho không gian phát triển.
Đặc biệt, đây là những vùng kinh tế trọng điểm, vùng Thủ đô có ý nghĩa quan trọng trong đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.