• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Thời sự 16/07/2023 15:32

(Tổ Quốc) - Ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.

Tham dự cuộc làm việc có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng.

Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cùng các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 6 chỉ tiêu khả năng đạt và 4 chỉ tiêu khó đạt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 7,3%/năm, trong đó, 6 tháng đầu năm nay đạt 6,51%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD, tăng gần 1,2 lần so với năm 2020. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm, năm 2023 ước đạt 13.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 13,6%/năm. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%...

Tỉnh thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 2,79%. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng. Giai đoạn 2021 - 2023, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động; có 2.098 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao những thành quả mà tỉnh đạt được trong thời gian qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh có bước phát triển đáng ghi nhận.

Trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Bộ, ban, ngành đã chỉ rõ những điểm nghẽn, khó khăn mà tỉnh cần khắc phục. Điển hình như, quy mô kinh tế còn nhỏ, thu hút đầu tư còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được. Địa phương đã gìn giữ được bản sắc và tập trung tốt vào công tác bảo tồn di sản; đồng thời cho rằng, văn hóa và con người Huế chính là nền tảng để phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, về vấn đề du lịch và dịch vụ của Huế đã được quan tâm để tìm kiếm nguồn lực mạnh. Vì vậy mà 6 tháng đầu năm, trong tổng thể sự phát triển của du lịch, Huế đã có 1,6 triệu lượt khách, trong đó có 580.000 lượt khách quốc tế, tỷ trọng cao so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa đến kinh tế du lịch; hướng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc như: du lịch nghỉ dưỡng và khám chữa bệnh, du lịch MICE, du lịch sinh thái…là những sản phẩm mà địa phương đang còn dư địa để phát triển.

"Huế có slogan "Kinh đô xưa, trải nghiệm mới" đã thu hút du khách chưa? Trong khi đó, Quảng Ninh đơn giản chỉ là "Nụ cười Quảng Ninh" nhưng đằng sau đó là một loạt sản phẩm hiệu quả cao. Do vậy, Huế cần nghiên cứu, tăng cường công tác truyền thông, quan tâm thu hút đầu tư trong du lịch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, và nhấn mạnh: Du lịch ở đây là một ngành kinh tế tổng hợp vì vậy đề nghị Thừa Thiên Huế có thể cùng với Bộ để nghiên cứu tiếp cận theo hướng du lịch bắt đầu từ sản phẩm văn hóa, và theo đó, phải tính toán lại, nhất là làm mới các sản phẩm du lịch mà Huế đang còn có dư địa để phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, kết luận tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và đồng tình với báo cáo của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày. Qua báo cáo của tỉnh và các phát biểu của các thành viên trong đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng với sự đổi thay của tỉnh nói chung và TP Huế nói riêng, nhất là bộ máy đã năng động, đoàn kết và sáng tạo hơn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đạt kết quả khá toàn diện, đồng thời triển khai tích cực, đạt kết quả bước đầu trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng một số chỉ tiêu minh họa điều này, như tốc độ tăng trưởng kinh tế 2021-2023 ở mức cao; thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh; tăng thu ngân sách đến 12%/năm là con số đáng nể, tỉnh cũng hướng đến cân đối ngân sách trong một vài năm tới; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt; hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch; giải ngân đầu tư công có sự nỗ lực lớn;...Về mặt đầu tư, kết cấu hạ tầng, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là nhà ga T2, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đã tạo ra điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng với công tác cải cách hành chính của tỉnh với những chỉ số mà tỉnh đã đạt được.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh nổi trội có một không hai của Thừa Thiên Thuế về văn hoá, lịch sử, đặc biệt là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có tới 7 di sản được UNESCO vinh danh.

"Chúng ta phải phát huy tối đa các giá trị này, khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng phát triển, từ đó mà thấm nhuần hơn nữa sứ mệnh, tầm nhìn, có quyết tâm chính trị, cách làm đột phá hơn để phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, không thỏa mãn với những gì đã đạt được", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ. HĐND tỉnh cần sớm bàn, quyết định các vấn đề nhằm triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Điều quan trọng, theo Chủ tịch Quốc hội là phải cụ thể hoá, thể chế hóa được tinh thần của các Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội vào Quy hoạch phát triển tỉnh và các đề án, quy hoạch. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế với 3 đích đến:

Một là, vào năm 2025: trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Hai là, đến năm 2030: là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đô thị hạt nhân cấp Vùng và tiểu vùng, một trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu; trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Ba là, đến năm 2050: là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước, hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng./.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ