(Tổ Quốc) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thể chế là thống nhất trên toàn quốc nhưng cần có thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới khi nói về các dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.
Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có nhiều ý kiến cho rằng cần giải thích kỹ hơn vì sao phải có cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương, địa phương này có mà địa phương kia không có.
"Trước hết, chúng ta cũng biết là thể chế của chúng ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm này, chúng ta có thể tổng kết, đánh giá và nhân rộng hơn cho toàn quốc", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giải thích.
Ngay trong các dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, ban soạn thảo cũng đã nêu rõ chữ "thí điểm". Từ những "thí điểm" này mới có thể có đánh giá, tổng kết để sau đó, có thể nâng chuẩn của luật pháp. Ngay cả sau đó, vẫn sẽ tiếp tục có những thí điểm để có thể nâng lên chuẩn cao hơn nữa. Đây là một quá trình liên tục.
Phiên họp tổ của Quốc hội sáng ngày 22/10, về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh không chỉ có những địa phương trên mới được hưởng những cơ chế này. Sau khi chứng minh được hiệu quả, sẽ tổng kết đánh giá và trở thành những quy định có tính phổ quát chung. Ngoài ra, thí điểm cũng phục vụ cho mục tiêu quản trị của quốc gia.
"Chủ trương nhất quán của Đảng ta là nâng đỡ những địa phương có thể trở thành động lực, trở thành đầu tàu bằng các cơ chế, chính sách đột phá. Không chỉ tạo điều kiện cho địa phương phát triển, điều này còn tạo được động lực lan tỏa cho địa phương khác trong vùng và cho cả nước. Với những địa phương, địa bàn khó khăn, chúng ta có cơ chế, chính sách đặc thù để các địa phương này vươn lên và rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế và Quốc hội, Chính phủ đang thể chế hóa các Nghị quyết này. Bên cạnh đó, các địa phương này cũng có những điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ chế "thí điểm".
"Hải Phòng nằm trong tam giác phát triển phía bắc cùng với Hà Nội và Quảng Ninh. Đây cũng là một cực phát triển của phía bắc. Gần đây, Hải Phòng có bứt phá mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, nông thôn mới…", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo đó, Hải Phòng đang xây dựng nông thôn mới theo chuẩn nâng cao. Địa phương đang đầu tư 135-180 tỷ đồng cho một xã lên nông thôn mới. Các xã ở những huyện có khả năng lên quận còn được đầu tư mạnh hơn. Với các huyện thông thường, đường giao thông được quy hoạch mặt cắt 7m, mỗi hè bên đường 5m với thiết bị chiếu sáng như đường đô thị.
Ngoài ra, 9 tháng đầu năm nay, dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng 12,28%. Nếu cả nước đang phấn đấu đến 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD – 8.000 USD thì Hải Phòng đặt mục tiêu GDP/đầu người vượt 16.000 USD cùng giai đoạn.
"Do đó, nhu cầu phát triển của Hải Phòng rất lớn nên Bộ Chính trị có Nghị quyết 45 (do ban kinh tế Trung ương chuẩn bị) về phát triển kinh tế địa phương. Tầm nhìn, Hải Phòng không còn là cực tăng trưởng nữa mà trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. Hải Phòng cũng phấn đấu là một trong những địa phương hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm nhất, trở thành thành phố tầm cỡ trong khu vực", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Với Thừa Thiên Huế, trước đây, Bộ Chính trị cũng có nghị quyết riêng nhằm phấn đấu để địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhờ sự chung tay của trung ương và địa phương, Thừa Thiên Huế phát triển rất tốt. Tuy nhiên, phần nông thôn của địa phương gặp nhiều khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí thành phố trực thực trung ương.
"Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, đã có một đề suất và Bộ Chính trị đã có quyết sách rất mới về việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố Di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là cố đô Huế. Các tiêu chí của nó về dân số, thu nhập… không nhất thiết phải như các thành phố trực thuộc trung ương khác", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo đó, Thừa Thiên Huế cũng cần những chính sách đặc thù để có thể phát triển được thành phố di sản. Việc Thừa Thiên Huế được để lại tiền thu vé du lịch, tham quan di tích trong khi tỉnh khác không có cũng là một phần trong việc xây dựng thành phố di sản trực thuộc trung ương.
Với Thanh Hóa và Nghệ An, Chủ tịch Quốc hội cho biết 2 địa phương này có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cần cơ chế, chính sách để có thể trở thành động lực tăng trưởng.
"Nhiều lần vào thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã nói rằng địa phương đất rộng, người đông và của cải nhiều, chỉ thiếu sự sắp đặt và thu xếp. Sắp đặt là quản lý, thu xếp là cơ chế. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết để Thanh Hóa phấn đấu trở thành 1 trong 4 tứ giác phát triển ở phía bắc, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Dù Thanh Hóa có động lực phát triển là Khu công nghiệp Nghi Sơn nhưng cũng có vùng trũng là các huyện miền tây của tỉnh. Chẳng hạn như ở Mường Lát, hiện đang áp dụng quy chế đổi gạo lấy bảo vệ rừng. Hàng năm, Chính phủ thực hiện đề án cấp gạo cho người dân để họ chăm sóc và bảo vệ rừng.
Nghệ An cũng tương tự như Thanh Hóa. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ 4 với 196.000 đảng viên. Đó cũng là lý do vì sao mà dự thảo Nghị quyết đề nghị cho phép Thanh Hóa, Nghệ An có chính sách chuyển đổi sử dụng diện tích đất nông nghiệp, đất rừng (Hội đồng Nhân dân tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 héc ta; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 héc ta). Tuy nhiên, diện tích rộng, dân đông với nhiều vùng khó khăn cũng là lý do khiến các địa phương này thu không đủ chi, phải nhờ ngân sách trung ương hỗ trợ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết Thanh Hóa, Nghệ An cũng là địa phương tiên phong xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản. Mô hình này hiện đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
"Cần tạo điều kiện cho các địa phương này để có nguồn lực phát triển mới hơn", Chủ tịch Quốc hội cho hay.