(Tổ Quốc) - Điều hành phiên chất vấn chiều 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp mong chờ gói kích thích kinh tế mới.
Chiều 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Sau phần chất vấn (của đại biểu), giải trình của Bộ trưởng và nêu câu hỏi tranh luận của một ĐBQH khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn vào các ý mà các Bộ trưởng, trưởng ngành cần làm rõ.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục 98,46% trong khi năm 2021 mới chỉ giải ngân được hơn 50% trong 10 tháng qua.
"Thể chế của 2021 phải tiến bộ hơn 2020 chứ. Vì sao trong một thể chế, các quy định của pháp luật như nhau mà lại có đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Giờ quan trọng là xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân cốt lõi là gì? Chúng ta phải đột phá vào đâu và giải quyết thế nào", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng lãnh đạo các bộ, bao gồm cả Bộ Giao thông vận tải, phải giải trình thêm, trong đó có các dự án trọng điểm quốc gia.
"Người dân, doanh nghiệp đều mong muốn có gói kích thích kinh tế mới nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết. Năng lực hấp thu vốn của chúng ta thế nào? 16.000 tỷ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được đồng nào. 56.000 tỷ của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Trước đó, trong phần giải trình ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội. Những nguyên nhân được nêu ra bao gồm công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa.
"Nhiều dự án, sau khi được chấp thuận chủ trương, mới tiến hành thực hiện một cách thực tế. Lúc đó lại mất thời gian làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian", Bộ trưởng cho biết.
Vấn đề giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng... và cả những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng gây ra nhiều tác động. Ngoài ra, thiếu nguyên vật liệu, nhân công, chi phí tăng cao, nguyên vật liệu tăng cao cũng được nêu ra.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận nguyên nhân ở khâu thực hiện vẫn là chính. Trong bối cảnh Chính phủ đã triệt để thực hiện phân cấp, phân quyền, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp về địa phương. Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã phân cấp cho địa phương....
"Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm. Ngay khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước. Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.