• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Tài chính đưa ra giải pháp giải quyết nợ đọng thuế

Thời sự 16/11/2017 14:31

(Tổ Quốc) - Hàng loạt câu hỏi của các đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về tình trạng nợ đọng thuế trong buổi chất vấn sáng nay, nhưng gần như người đứng đầu ngành Tài chính chưa có câu trả lời thoả đáng.

Các đại biểu cho rằng, vấn đề thuế là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ, trong đó có tình trạng doanh nghiệp “đi đêm” với cán bộ thuế…Trong đó, nợ đọng thuế là “căn bệnh” của tất cả các tỉnh, gây thất thu cho ngân sách nên yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp đột phá nhằm khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng  (Ảnh: Nam Nguyễn)

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, giải quyết nợ đọng thuế là trọng tâm Bộ Tài chính triển khai quyết liệt và đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp tới từng lãnh đạo từ Tổng cục, Cục, phòng, ban...cùng với những đôn đốc nộp thuế.

Tuy số nợ thuế tồn đọng lớn nhưng với kết quả vào cuộc, đồng bộ, số thu nợ đọng thuế giảm dần qua các năm, số thu năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016 giảm 81% số thuế cần thu hồi. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ đạt 85% số tiền nợ thuế của cuối 2010; năm 2013 thu 27.000 tỷ; 2014 thu 31.900 tỷ; 2015 là 37.582 tỷ; 2016 là hơn 42.000 tỷ. Và 10 tháng 2017 thu được 39.894 tỷ, đạt 81%. 

Tỷ trọng nộp thuế trên tổng thu ngân sách cũng giảm dần, năm 2011 là 4,4%: 2015 7,7%; 2016 6,7% và 31/10/2017 là 6,1% tổng thu ngân sách... Tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi tới 31/10/2017 còn 4,9% so với mức 5,6% năm 2016 và 7,7% năm 2015.

Tổng số tiền nợ thuế hiện còn 73.930 tỷ đồng, tiền nợ thuế có khả năng thu hơn 27.640 tỷ, giảm 10,3% so với cuối 2016; tiền phạt, chậm nộp 18.361 tỷ tăng 0,7% so với 2016... Trong cơ cấu chỉ có 37,4% nợ có khả năng thu hồi, còn lại gần 62% là không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản.

Hiện vẫn còn 718.383 đối tượng không có khả năng thu hồi, trong đó hơn 209.000 doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh cá nhân.

"Số này vẫn nằm trên sổ thuế mà ngành thuế vẫn phải đôn đốc. Tới đây sẽ rà soát, đánh giá và sẽ báo cáo Quốc hội xử lý nợ đọng thuế, không để thất thu", Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc thu nợ, theo dõi, kiểm soát chặt các khoản nợ thuế, ban hành đủ các thông báo.

Phần giải trình của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng còn chung chung, mang tính liệt kê, chưa đáp ứng trọng tâm câu hỏi của đại biểu đã khiến Chủ tịch Quốc hội tiếp tục nhắc nhở có nhiều đại biểu đang chờ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời, ý nào đã nói thì bỏ qua.

Chủ tịch Quốc hội hỏi Bộ trưởng Dũng có giải pháp đột phá nào về nợ đọng thuế không? “Nếu không thì khỏi cần trả lời”.

Trước đó, đề cập đến việc chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề bức xúc của xã hội. Ngay từ năm 1995 đã có văn bản để kiểm soát chuyển giá và năm 2017, Bộ đã tình Chính phủ ban hành Nghị định số 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp phát sinh liên kết.

Cơ quan thuế cũng đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, tổng số thuế truy thu, truy hoàn 1.310 tỉ đồng, giảm lỗ 1.983 tỉ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỉ đồng; Năm 2017 kiểm tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, truy hoàn, tiền phạt 3.085 tỉ, giảm lỗ 6.812 tỉ, giảm khấu trừ 265 tỉ đồng.

Bộ trưởng cho biết chuyển giá không phải đơn thuần chỉ trong quá trình sản xuất kinh doanh mà ngay từ khâu đầu tư đã chuyển giá khi mua dây chuyền sản xuất với giá thấp, khai giá cao. Do đó, cần có sự đồng bộ giữa các ngành để quản lý tốt hơn./.

Hà Giang

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ