(Tổ Quốc) - Tỷ phú Trần Đình Long nhiều lần bày tỏ bức xúc với cụm từ "giấy lộn", cho rằng đây là một sự xúc phạm đối với ban lãnh đạo. Ngoài ra, tỷ phú khẳng định Hoà Phát chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ 5%, không thể chia 10% được.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát vừa diễn ra vào sáng 24/5, hai vấn đề lớn được nhiều cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi là tỷ lệ chia cổ tức, giá cổ phiếu và kế hoạch sử dụng khoản tiền mặt hơn 46.000 tỷ mà doanh nghiệp đang nắm giữ.
Một cổ đông thắc mắc: "Tại sao lợi nhuận năm 2021 đạt đỉnh như vậy mà chỉ chi trả cổ tức 5% bằng tiền mặt?"
Một cổ đông nhỏ lẻ khác lại đặt câu hỏi: tại sao Hòa Phát giữ lại khoản tiền mặt lớn như vậy mà sao không chia cho cổ đông?
Cổ đông khác thì bày tỏ tâm tư: Liệu Tập đoàn có sẵn sàng mua vào cổ phiếu hay đặt mục tiêu cho giá của HPG sẽ tăng bao nhiêu % hay đạt mốc bao nhiêu trong năm nay.
Trước khi trả lời các câu hỏi, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long tâm sự: "Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, tôi là người làm nghiêm túc, sống chết vì Hòa Phát. Sáng nay đến đây tâm trạng của tôi rất không thoải mái, rất buồn nhưng đến đây thì thấy các ý kiến, đóng góp rất tâm huyết, mang tính xây dựng".
Đáng nói, vị tỷ phú có nhắc đến một bức thư góp ý của một hội diễn đàn về chứng khoán, khi nhóm này gọi cổ phiếu là "giấy lộn", chỉ đòi hỏi về tiền, phải cam kết từ năm sau làm được bao nhiêu phải chia hết,...
Tỷ phú Trần Đình Long nhiều lần bày tỏ bức xúc với cụm từ "giấy lộn", cho rằng đây là một sự xúc phạm đối với ban lãnh đạo.
Bên cạnh đó, để giải đáp những thắc mắc trên của cổ đông, vị Chủ tịch có một bài chia sẻ tâm huyết: "Trước hết, báo cáo đại hội tin rất mừng là khi chốt danh sách cổ đông, chúng ta có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng đó đã là minh chứng rõ ràng cho thấy uy tín của Hòa Phát.
Như trong nhiều lần ĐHĐCĐ mà chúng tôi đã phát biểu, Hòa Phát không dừng lại, chúng ta dừng lại là chúng ta sẽ chết".
Chúng tôi thà không gửi tiền để đảm bảo an toàn vận mệnh, đảm bảo vốn phát triển Dung Quất 2, phát triển Tập đoàn.
Và để tiến lên, Hòa Phát cần nhiều vốn. Với quy mô như hiện tại đang tương đương 4.000-5.000 công ty thường, một ngày doanh thu 500 tỷ đồng, điều kiện cần là phải có vốn, không có vốn thì làm sao được.
"Riêng vốn cố định khoảng 70.000-80.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỷ đã là giỏi lắm rồi. Báo cáo với cổ đông, lần đầu tiên trong lịch sử, một ngân hàng cho doanh nghiệp trong nước vay 35.000 tỷ, vậy còn 35.000-40.000 tỷ. Tôi biết rất nhiều người chê Hòa Phát. Muốn nói rằng là, chúng tôi là người cẩn thận. Rất nhiều các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức tài chính góp ý bảo sao anh để tiền nhiều làm gì thế, tôi làm cho ông một năm thêm được 400-500 tỷ, nhưng chúng tôi thà không gửi tiền để đảm bảo an toàn, vận mệnh, đảm bảo vốn phát triển Quất 2, phát triển Tập đoàn", người đứng đầu Hòa Phát khẳng định.
Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh một lần nữa, 46.000 tỷ đồng là không nhiều, với quy mô của Hòa Phát, bắt buộc phải có 20.000-30.000 tỷ đồng là tiền lỏng - tức tiền không được hoạt động, để đảm bảo khả năng thanh toán, lúc nào cũng phải có, không được kinh doanh, không được dùng vào việc khác.
Ngoài ra, Hòa Phát xem xét công bố dự án Dung Quất 3, nên nhu cầu vốn rất cao. Đó là lý do Hòa Phát chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ 5%, không thể chia 10% được.
Trước đó, Hòa Phát đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm nay.
Theo đó, chỉ tiêu doanh thu năm nay là 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 25.000-30.000 tỷ đồng. giảm 27,5%-13% so với năm trước.
Hòa Phát trình cổ đông thông qua việc thưởng Ban điều hành tối đa 5% của phần lợi nhuận sau thuế vượt mốc kế hoạch 25.000 tỷ đồng. Thù lao Hội đồng quản trị là 1% lợi nhuận sau thuế. Quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa 5% lợi nhuận sau thuế.
Cổ tức năm 2021 là 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu, dự kiến sẽ trả trong quý 2 - quý 3 năm 2022. Kế hoạch cổ tức 2022 là 25%.
Về mục tiêu kết quả lợi nhuận 25.000-30.000 tỷ trong năm 2022, giảm đáng kể so với 2021, ông Trần Đình Long giải thích: "Chúng ta chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy KQKD thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hòa Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất.
Trong bất cứ khó khăn nào thì Hòa Phát cũng phải là công ty tốt nhất trong ngành thép, nhưng đề nghị cổ đông rất thông cảm. Trong nền kinh tế chung này, mình không thể khác được".