(Tổ Quốc) - Từ ngày 30/8, các chương trình nghệ thuật sẽ được biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn. Đây là bước khởi đầu nhằm hướng tới xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Bộ VHTTDL. Các nghệ sĩ đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và tin tưởng, nhờ đó, nền nghệ thuật nước nhà sẽ thực sự có sinh khí hơn.
NSND Anh Tú: Diễn ở Nhà hát Lớn- khát khao đã trở thành hiện thực
Chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã giúp cho nghệ thuật được trình diễn ở nơi xứng tầm, mang lại cho các nghệ sĩ, các Nhà hát niềm vui sướng. Bản thân tôi cũng rất rất vui.
Bởi diễn ở Nhà hát Lớn luôn luôn là khao khát của các nghệ sĩ, không chỉ là nghệ sĩ trẻ mà cả các nghệ sĩ lâu năm, lớn tuổi. Đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn, thể hiện tài năng của mình là mơ ước của tất cả các nghệ sĩ. Diễn ở nơi sang trọng như thế, cảm xúc nó khác nhiều, khi cảm xúc nhiều, nghệ sĩ mới diễn thăng hoa được, như vậy, vở diễn đã hay càng hay hơn.
NSND Anh Tú: "Nhà hát Lớn là khát khao của các nhà hát nói chung và các nhà hát không có địa điểm diễn như Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng" |
Như vở Tai biến, chúng tôi diễn từ 2013, từng đi rất nhiều tỉnh diễn nhưng vừa rồi, khi diễn chia tay NSND Lan Hương, lần đầu tiên vở Tai biến được vào Nhà hát Lớn, các nghệ sĩ diễn rất thăng hoa. Tôi đã xem nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy vở Tai biến được các nghệ sĩ diễn hay như thế khi diễn ở Nhà hát Lớn.
Có thể nói diễn ở Nhà hát Lớn là khát khao của các nhà hát nói chung và các nhà hát không có địa điểm diễn như Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng. Giờ đây, khát khao ấy đã trở thành hiện thực.
Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang: Nhà hát Lớn nên rộng cửa với cả các nhà hát địa phương
Nhà hát Lớn là địa điểm biểu diễn đẹp đẽ, sang trọng, được người Pháp xây dựng cực kỳ phù hợp cho việc biểu diễn nghệ thuật, sân khấu… Trước đây, giá thuê không phù hợp cho các nhà hát nên bước chân vào Nhà hát Lớn là “giấc mơ xa xỉ” của các vở sân khấu nghệ thuật truyền thống.
NSND Doãn Hoàng Giang: Nhà hát Lớn cũng nên rộng cửa đón các nhà hát thuộc Hà Nội, các địa phương khác mà có tác phẩm có chất lượng đến biểu diễn |
Bộ VHTTDL thống nhất cho các nhà hát vào biểu diễn miễn phí ở địa điểm này thì quá tốt. Khi có địa địa điểm tốt thì có cơ sở thuận lợi để các nhà hát xây dựng tác phẩm tốt, có chất lượng hơn. Tuy nhiên, cần xác định rõ, xây dựng tác phẩm có chất lượng, đỉnh cao là nhiệm vụ chung của các nhà hát chứ không phải chỉ là những nhà hát được vào Nhà hát Lớn biểu diễn.
Bản thân tôi mong muốn sau các chương trình biểu diễn của các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL, Nhà hát Lớn cũng rộng cửa đón các nhà hát thuộc Hà Nội, các địa phương khác mà có tác phẩm có chất lượng đến biểu diễn.
Ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Mở ra một tầm nhìn mới về văn hóa
Trước hết, muốn tạo cho khán giả thói quen đi xem ở Nhà hát Lớn thì chủ trương của Bộ trưởng rất đúng lúc và rất cần thiết. Cần thiết không phải chỉ cho các nhà hát mà là cần thiết để mở ra một tầm nhìn mới về văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn (NTBD).
Ông Nguyễn Thế Vinh: Chủ trương của Bộ trưởng rất đúng lúc và rất cần thiết |
Nói đến văn hóa thì trước hết phải nói đến bề nổi của nó là NTBD. Trong cái bề nổi của văn hóa thì mọi người dễ nhận biết nhất là NTBD. Xưa nay, NTBD cứ lặng lẽ chui lủi ở các Nhà văn hóa, khó thể hiện được đẳng cấp. Phải diễn ở nơi xứng tầm với NTBD đó là Nhà hát Lớn.
Nhà hát Lớn là nơi duy nhất hiện nay ở Hà Nội được thiết kế đúng chỉ để thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao. Các nhà hát khác, các nhà văn hóa hiện nay được xây theo tính đa năng, hội trường là chính, chủ yếu mang tính hội họp, không thể đáp ứng tốt nhất cho một chương trình nghệ thuật như âm thanh, ánh sáng…không gian cho khán phòng. Khi xem một tác phẩm hay, phải ngồi ở vị trí nào thì người ta mới cảm nhận được hết cái hay của nó, thì chủ trương của Bộ trưởng rất đúng lúc, kịp thời và rất cần thiết để cho diện mạo văn hóa Việt Nam được nổi lên./.