(Tổ Quốc) -Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2016/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 96/2012/NĐ-CP về cơ bản tháo gỡ toàn bộ khó khăn trong triển khai điều trị thay thế nói chung và điều trị Methadone.
Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2016/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012, qua đó, về cơ bản tháo gỡ toàn bộ khó khăn trong triển khai điều trị thay thế nói chung và điều trị Methadone thông qua việc thiết lập các cơ chế pháp lý và thực tiễn cần thiết phục vụ cho việc mở rộng chương trình.
Dược lực học và tác dụng của thuốc Methadone
Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp, tác dụng đồng vận với các CDTP, tác động chủ yếu trên các thụ thể muy ở não, tác dụng tới hệ thần kinh trung ương, các cơ qua trong cơ thể bao gồm cả cơ trơn. Tác dụng tương tự như các CDTP khác, Methadone làm sản sinh ra các chất nội sinh như enkephalins, endorphins, giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như acetycholine, norepinephrine, chất P và dopamine, tạo ra các tác dụng dược lý; giảm đau, giảm ho, yên dịu, giảm hô hấp và gây nghiện nhưng khoái cảm yếu. Thuốc được sử dụng để giảm đau, điều trị cắt cơn giải độc và điều trị thay thế nghiện CDTP. Hội chứng cai Methadone tương tự như hội chứng cai các CDTP khác, tuy nhiên các triệu chứng khởi phát chậm hơn, tác dụng kéo dài hơn và ít nghiêm trọng hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Trong điều trị thay thế nghiện CDTP, Methadone là một chất đồng vận với các CDTP, cùng tác động trên các thụ thể của các CDTP ở não, nó gắn chặt vào các thụ thể muy và chiếm lấy các thụ thể này, với liều vừa đủ Methadone chiếm hết các thụ thể muy và ngăn chặn các tác dụng của các CDTP khác: ngăn chặn sự hưng phấn và gây buồn ngủ của các CDTP; làm giảm sự thèm muốn các CDTP, là nguyên nhân chính gây tái nghiện; làm giảm các triệu chứng của Hội chứng cai các CDTP; liều điều trị ổn định không gây hưng phấn hoặc ngộ độc vì vậy mà bệnh nhân có thể tham gia lao động và sinh hoạt bình thường trong xã hội; Methadone chuyển hóa chậm, tập trung nhiều trong mỡ, thời gian bán thải chậm hơn các CDTP khác, trung bình 24 giờ do vậy trong một ngày chỉ sử dụng một liều Methadone duy nhất và không bị tăng liều.
Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Methadon liên kết với các thụ thể N-methy-D-aspartate (NMDA), hoạt động như một chất đối kháng với thụ thể NMDA Glutamate. Glutamate là chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới sự hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Thụ thể NMDA có vai trò quan trọng cho cơ chế hóa thần kinh của sự hoạt động và trí nhớ. Hoạt động đối kháng với thụ thể NMDA của Methadone làm cho người cho người nghiện giảm thèm muốn và giảm sự dung lạp với các CDTP khác.
Các quy định của Việt Nam về điều trị Methadone và chủ trương mở rộng điều trị Methadone của Chính phủ
Căn cứ thực tế triển khai chương trình điều trị Methadone từ năm 2008 và mục tiêu của Chính phủ đến năm 2015 sẽ điều trị cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy toàn quốc, cũng như đặt trong mối tương quan với các hệ thống pháp luật điều chỉnh người nghiện ma túy, một số quy định tại Nghị định liên quan đến nội dung này đã không còn phù hợp và cần phải thay thế.
Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2016/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012, qua đó, về cơ bản tháo gỡ toàn bộ khó khăn trong triển khai điều trị thay thế nói chung và điều trị Methadone thông qua việc thiết lập các cơ chế pháp lý và thực tiễn cần thiết phục vụ cho việc mở rộng chương trình.
Cụ thể hóa chính sách và pháp luật của nhà nước về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc thay thế, tạo dựng một khung thể chế hoàn chỉnh để điều trị thay thế nói chung và điều trị Methadone nói riêng, giải quyết triệt để hơn nữa sự hài hòa các quy định trong hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống luật pháp về phòng, chống ma túy và xử phạt hành chính, để đảm bảo người nghiện ma túy có quyền được lựa chọn các phương pháp hỗ trợ cai nghiện, trong đó có điều trị thay thế.
Ảnh minh họa/giadinh.net.vn |
Quy định cụ thể điều kiện và quy trình tiếp nhận người nghiện ma túy tham gia trị thay thế. Hiện nay người nghiện ma túy được hỗ trợ cai nghiện ma túy qua hai hình thức chủ yếu, gồm cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phòng, chống ma túy
Quy định cụ thể về mô hình các cơ sở điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế, gồm cơ sở điều trị thay thế. Quy định này đã cho phép việc đa dạng hóa mô hình điều trị, mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế để thu hút người nghiện ma túy tiếp cận điều trị, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có địa bàn dàn trải như cac tỉnh miền núi phía Bắc.
Quy định bắt buộc nâng cao tính chủ động và tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý nhà nước về điều trị Methadone. Theo đó, các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động đầu tư ngân sách cho việc xây dựng cơ sở vật chất, bố trí nhân sự và kinh phí vận hành; tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc; chỉ đạo tăng cường hoạt động phối hợp giữa các ngành và các cơ quan liên quan trong triển khai hoạt động điều trị.
Cụ thể hóa các nguồn kinh phí cho công tác điều trị các CDTP bằng thuốc thay thế, thiết lập cơ chế, các nguồn kinh phí để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 sẽ điều trị cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy, góp phần bảo đảm hiệu quả và chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu tham gia điều trị ngày càng lớn của những đối tượng có nhu cầu.
Phân cấp triệt để quyền và trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc công bố cơ sở điều trị đủ điều kiện điều trị trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế.
Thiết lập cơ chế cho phép thực hiện việc chuyển tiếp điều trị đối với những người tham gia điều trị. Theo đó, để phù hợp với điều kiện công việc và sinh hoạt của mình, bệnh nhân được phép chuyển tiếp điều trị tạm thời hoặc chuyển đến điều trị tại cơ sở điều trị mới nằm trên địa bàn khác. Những bệnh nhân đang điều trị tại cộng đồng mà bị đưa vào các cơ sở do ngành công an và ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý có quyền được tiếp tục điều trị tại cơ sở quản lý đó.
Ngoài chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 31/10/2014, Bộ Y tế cũng ban hành nhiều hướng dẫn chuyên môn, quản lý, cấp phát, sử dụng Methadone.