(Tổ Quốc) - Trong thời gian này nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc nên hay không bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Việc này gây ra nhiều xáo trộn trong tâm lý các học sinh lớp 12.
- 15.04.2020 Sau loạt ý kiến về việc bỏ hay vẫn thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT chính thức trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia
- 14.04.2020 Thông tin mới nhất về việc bỏ hay không kỳ thi THPT Quốc gia từ đại diện Bộ GD-ĐT
- 10.04.2020 Bộ GDĐT: Vẫn thi THPT quốc gia nếu học sinh đi học trở lại trước ngày 15/6
- 03.04.2020 Đầy đủ nhất 14 đề tham khảo các môn thi THPT quốc gia 2020
- 03.04.2020 Thủ tướng yêu cầu đề xuất phương án thi THPT Quốc gia 2020 phù hợp với tình hình dịch Covid-19
15/4- vẫn chưa "chốt" được phương án cuối cùng về thi THPT quốc gia 2020
Với diễn biến tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, Bộ GDĐT mặc dù khẳng định vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng cũng đưa ra phương án bỏ thi, xét tốt nghiệp.
Bộ GDĐT đã đưa ra hai phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong trường hợp học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6, vẫn đủ thời gian chuẩn bị để học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi theo kế hoạch đã điều chỉnh. Còn nếu học sinh đi học lại sau ngày 15/6, Bộ GDĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT quốc gia phù hợp hơn.
Cùng đó, một số trường đại học ở Hà Nội đã đưa ra phương án tuyển sinh riêng, tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học riêng để không quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia và cũng là để tăng thêm chất lượng tuyển sinh đầu vào cho trường.
Mới đây, trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định tổ chức kỳ thi riêng năm 2020. Trường cho biết sẽ lấy khoảng 70% chỉ tiêu đại học chính quy từ phương thức này. Kỳ thi sẽ được tổ chức gọn nhẹ nhằm kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức cơ bản và đánh giá năng lực học tập của học sinh để theo học thành công tại ĐHBK Hà Nội. Ngày thi dự kiến vào chiều 25/7 (ngay sau thời gian kết thúc năm học mà Bộ GDĐT công bố).
Trường ĐH Kinh tế quốc dân hôm 14/4 cũng thông báo sẽ có 2 phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020. Theo đó, nếu Bộ GDĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPTQG, trường sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh dự kiến như đã công bố, trong đó xét tuyển chủ yếu bằng kết quả thi THPTQG. Còn trong trường hợp Bộ GDĐT không tổ chức kỳ thi THPTQG, Trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học và sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh đại học chung với mục tiêu đảm đảm bảo sự ổn định và nhất quán với phương án tuyển sinh đã công bố và bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh.
Trong khi đó, các địa phương trong hơn 2 tháng qua cũng đã tích cực triển khai các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình… tuy nhiên, tới thời điểm này kết quả việc học này như thế nào vẫn chưa ai dám khẳng định.
Việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cũng bộc lộ nhiều bất cập, chênh lệch giữa các địa phương, tình trạng mất an toàn khi học sinh học trực tuyến, hay việc học sinh khó tiếp thu bài qua giảng dạy trên truyền hình.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GDĐT nhanh chóng công bố phương án cuối cùng, có tổ chức thi THPT quốc gia hay không; nếu tổ chức sẽ như thế nào, không thi sẽ như thế nào để học sinh có hướng ôn tập.
Thời gian không còn nhiều, chỉ còn khoảng 3 tháng là kết thúc năm học, theo kế hoạch năm học điều chỉnh lần cuối của Bộ GDĐT, kết thúc năm học trước 15/7/2020, thi THPTQG từ 08-11/8/2020.
Việc học tập trong hơn 2 tháng qua cũng khiến học sinh hết sức vất vả khi phải 'chạy theo' sự thay đổi liên tục từ Bộ đến Sở, học sinh các tỉnh thành cứ vừa học vừa trông ngóng xem cuối tuần Sở GDĐT có thông báo gì về thời gian đi học hay nghỉ học tiếp…
Do đó, lúc này việc Bộ GDĐT đưa ra phương án cuối cùng về kỳ thi THPT quốc gia cũng như những phương án đối với học sinh các khối còn lại là việc hết sức cần thiết. Đó cũng là căn cứ để các em có hướng học tập và yên tâm ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời mình.
Học sinh vẫn căng mình học trong "mông lung"
Xác định năm học 2019-2020 là năm học quan trọng trong cả quá trình học tập của mình, trước ngưỡng cửa đại học, em Huyền Vy (trường THPT Trần Phú, Hà Nội) đã lên kế hoạch ôn tập từ đầu năm học. Tuy nhiên, tới thời điểm này em tỏ ra khá căng thẳng.
Hàng ngày, Vy vẫn phải thực hiện việc học trên truyền hình các kiến thức của chương trình học lớp 12, nhưng em cho biết, việc học trên truyền hình không mấy khả thi, nội dung buồn tẻ và vẫn còn sai sót ở một số môn học. Việc học tập rất áp lực bởi với những bài chưa hiểu thì không biết hỏi ai, rồi mông lung không biết sẽ như thế nào…
Với các môn học để thi, em vẫn ôn luyện riêng, toán làm theo đề thầy cô giao, văn tự học là chính và em phải tăng cường tự ôn với môn tiếng Anh. Huyền Vy dự định chọn thi 2 khối D1 và D78, em cho biết việc học tập của em khá nặng. Trong 3 tháng tới trước khi kết thúc năm học, em sẽ tiếp tục ôn tập, tự giải các đề thi và hoàn thành nốt chương trình còn lại của lớp 12.
Cũng giống như Vy, các bạn cùng lớp cũng khá lo lắng khi biết thông tin có thể sẽ xét tốt nghiệp và phải trải qua thêm 1 kỳ thi của các trường mình dự định theo học. Với phương án này, các em chưa biết sẽ phải làm thế nào vì thực sự chưa chuẩn bị gì cho việc này và hoàn toàn bị động trong việc ôn tập.
Trao đổi với phụ huynh học sinh này, chị Thanh Huyền cho biết, trước tình hình như thế này gia đình cũng rất lo lắng, lúc thì bảo thi, lúc thì bảo xét, không biết thế nào, bản thân phụ huynh rất mông lung. Theo dõi việc học online của con chị thấy, cả thầy và trò đều vất vả, hiệu quả không cao, chưa kể đang học bị nghẽn mạng, bị out và thầy cô giáo lại phải giảng dạy từ đầu.
Trước thông tin Bộ GDĐT đang chuẩn bị 2 phương án tốt nghiệp cho năm học này, chị tỏ ra lo lắng với phương án xét tốt nghiệp bởi việc này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ phải tham gia thêm một kỳ thi khác để vào đại học.
"Có thể việc xét học bạ có thuận lợi là với các học sinh có học bạ tốt thì các con sẽ được xếp loại tốt nghiệp tốt. Tuy nhiên, việc thi vào đại học lại là câu chuyện khác", chị Huyền cho biết.
Nếu thi theo các năm trước, các con có thời gian ôn tập và chuẩn bị cho mình, việc thi THPT quốc gia thì các con thi trên một mặt bằng chung, còn giờ thay đổi cách thức thi thì các con trở tay không kịp. Các con không quen với cách thi này, chị lo lắng các con sẽ bị thiệt thòi vì không được chuẩn bị trước.
Mặc dù các gia đình đều động viên con vì đây là thời điểm quyết định, năm học quyết định với các con, và dịch bệnh là bất khả kháng, các gia đình đều phải trải qua giai đoạn này. Tuy nhiên, học tập là cả một quá trình, chưa kể từ cấp 2, các gia đình đã có định hướng cho con và trong suốt những năm qua bố mẹ đều tham khảo cách thức tổ chức thi để có kế hoạch học và ôn tập cho con. Còn với việc học tập như hiện nay, thương và lo cho con cái là tâm lý chung của các phụ huynh.
Do đó, lúc này việc Bộ GDĐT đưa ra phương án cuối cùng về kỳ thi THPT quốc gia cũng như những phương án đối với học sinh các khối còn lại là việc hết sức cần thiết. Đó cũng là căn cứ để các em có hướng học tập và yên tâm ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời mình.