(Tổ Quốc) -Chính thức hoạt động bắt đầu từ ngày 4/4, hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tới Chính phủ đã nhận hơn 500 ý kiến.
Chính phủ đang lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp
TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết tại hội thảo Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng do Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) phối hợp với EU-MUTRAP tổ chức chiều 4/4.
Theo ông Ngô Hải Phan, website http://nguoidan.chinhphu.vn do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhằm góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân.
Các phản hồi, ý kiến của người dân sẽ được gửi tới các bộ ngành, địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.
Nhiều phản ánh về cải cách thủ tục hành chính đã được gửi tới Chính phủ |
Nếu bộ ngành, địa phương giải quyết rồi nhưng người dân không đồng tình thì Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp xử lý.
Tại hội thảo, liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, ông Ngô Hải Phan cho hay, những ý kiến này sẽ được Chính phủ nắm bắt và chuyển đến các Bộ ngành trả lời. Điều đó cho thấy Chính phủ đang rất lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp.
Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân VPSF Đào Huy Giám cho hay, việc xem xét tháo gỡ để tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế, tạo nền tảng cho quá trình hội nhập của doanh nghiệp, tăng sức hút đầu tư cho môi trường kinh doanh là việc rất quan trọng.
Văn bản có xu hướng tăng
Một trong những lĩnh vực khiến doanh nghiệp lo lắng nhiều nhất là các thủ tục liên quan tới hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ở lĩnh vực này, nhiều cơ quan quản lí đang lúng túng, doanh nghiệp gặp nhiều ách tắc, hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.
Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì ngành hải quan chịu trách nhiệm 28%.
Cũng theo ông Ngô Minh Hải, tính đến ngày 30/11/2016, có 362 văn bản liên quan tới lĩnh vực hải quan nhưng đến giờ lại có xu hướng tăng lên. Đầu tháng 4 này, Tổng cục sẽ rà soát lại toàn bộ các văn bản.
Ngoài ra, có mặt hàng chịu quản lý của nhiều Bộ, ngay trong một Bộ lại chịu sự quản lý của 2-3 đơn vị khác nhau.
Do vậy, đơn vị này cho rằng, việc thay đổi phương pháp kiểm tra, chuyển kiểm tra ở khâu thông quan sang khâu hậu thông quan, để doanh nghiệp tự khai báo và chịu trách nhiệm... chính là những giải pháp phải thực hiện để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, nhiều kiến nghị khác của doanh nghiệp cũng đã được các đơn vị xử lý, giải quyết./.
Thái Linh