(Tổ Quốc) - Thông tin tại buổi họp báo về tổ chức coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Trong cả Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
- 29.06.2023 Thi tốt nghiệp THPT 2023: 41 thí sinh vi phạm quy chế, đình chỉ làm nhiệm vụ 6 giám thị
- 28.06.2023 Bộ GD-ĐT chỉ đạo khẩn sau sự cố đề thi tốt nghiệp THPT Văn, Toán bị lọt
- 28.06.2023 Bộ Công an thông tin nguyên nhân lộ đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023
- 23.06.2023 "4 đúng - 3 không" trong công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả này được thể hiện qua 6 nhóm vấn đề chính.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, công tác lãnh đạo chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương sâu sát, kịp thời. Điều này thể hiện từ việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ GDĐT, các hướng dẫn, chỉ thị của các tỉnh, thành phố kèm theo đó là nhiều văn bản khác. Cùng đó, dự báo trước những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức Kỳ thi, trong đó xác định ngay từ đầu diễn biến phức tạp của việc sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận để có biện pháp phòng chống.
Công tác phối hợp thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành... thể hiện rõ nhất trong Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với 2 từ khóa quan trọng là tăng cường công tác lãnh đạo và phối hợp tổ chức Kỳ thi. Trách nhiệm của bộ ngành, địa phương cũng được phân công rõ trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương.
Theo Thứ trưởng, công tác chuẩn bị tổ chức chủ động, kịp thời, chu đáo, toàn diện của địa phương, hướng tới Kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Công tác an ninh, an toàn được bảo đảm, trong đó có vai trò chủ động rất lớn của lực lượng công an, Thứ trưởng cho hay.
Công tác tuyên truyền về Kỳ thi của từ trung ương tới địa phương, của các cơ quan truyền thông, báo chí chủ động, kịp thời, đúng, trúng, đủ dung lượng, đánh giá tốt về Kỳ thi, không áp lực như những năm trước.
Về công tác chuyên môn, hệ thống văn bản chỉ đạo ngày càng khoa học, chặt chẽ, bao quát, toàn diện, công tác tập huấn cho các chủ thể tham gia Kỳ thi kỹ lưỡng, chuẩn bị cơ sở vật chất, đề thi, in sao đề thi, công tác thanh tra kiểm tra… được chuẩn bị, triển khai nghiêm túc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại như, trong Kỳ thi đã có 41 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, 38 trường hợp cán bộ coi thi đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời, 2 trường hợp phát tán đề ra ngoài. Việc này cho thấy tính chất phức tạp của Kỳ thi với hơn 1 triệu thí sinh mà 2 trường hợp này là cá biệt, đáng tiếc.
Liên quan đến đề thi của Kỳ thi, Thứ trưởng khẳng định, đây là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm của Bộ GDĐT. Cùng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, Kỳ thi năm nay tiếp tục có những đổi mới từ quy trình ra đề đến lựa chọn cán bộ. Thành viên tham gia Ban Đề thi được lựa chọn là những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng lực, bảo đảm trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cân đối vùng miền và các giảng viên đại học. Đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức.
Thứ trưởng cũng cho biết, các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ GDĐT, Ban Chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách.
Trong thời gian tới là thời gian thực hiện công tác chấm thi, Thứ trưởng nhấn mạnh, "công tác chấm thi đòi hỏi sự nghiêm túc, khách quan, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát".
Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GDĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.