• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa khắc phục triệt để tình trạng xin lùi, xin rút chương trình luật, pháp lệnh hàng năm

Thời sự 19/03/2018 09:50

(Tổ Quốc) - Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sang 19/3), Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình về việc lặp đi lặp lại khá nhiều tình trạng thay đổi, dời và đưa ra khỏi chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh hàng năm.   

Theo Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), thời gian qua việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Luật và pháp lệnh có những dự án phải thay đổi và dời chương trình, đưa ra khỏi chương trình. Đặc biệt, việc này lặp đi lặp lại khá nhiều, đây là những tồn tại hạn chế của nhiều năm qua.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cho rằng, thời gian qua, công tác lập và trình dự án đề án đưa vào chương trình của Chính phủ đã đạt được bước tiến đáng kể, đặc biệt là kể từ khi thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016), các kết quả cụ thể đã được Bộ Tư pháp thể hiện mức độ này hay mức độ khác.

Thừa nhận chúng ta chưa khắc phục được tình trạng xin lùi, xin rút, điều chỉnh chương trình hàng năm, tuy nhiên Bộ trưởng Lê Thành Long cũng khẳng định "tình trạng này có bớt đi, ví dụ như năm 2016 dự án Luật rút khỏi chương trình là 11 thì năm 2017 giảm còn 3, xuống 1 vào năm 2018. Như vậy, số liệu đã rất tích cực".

Năm 2018, theo tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội thì số lượng bổ sung tăng đột biến, trên 10 dự án. Nguyên nhân là do khi lập các Đề án đưa vào chương trình thì các cơ quan chưa trù liệu được khó khăn.

Ví dụ như Luật Quy hoạch, đây là Luật kéo theo việc sửa đổi bổ sung của hàng loạt các Luật khác (25 Luật), chưa kể các Luật mà Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai nữa là số lượng các dự án luật và pháp lệnh phải đưa vào chương trình trong thời gian qua rất lớn bởi chúng ta phải thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 và đặc biệt là Trung ương VI khóa XII khi đã đề ra một loạt giải pháp. Theo đó, cần phải có rà soát bổ sung để thực hiện chỉ đạo của Trung ương.

Điểm thứ 3 đó là quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chặt chẽ hơn. Trong luật này đã tách quy trình soạn thảo các dự thảo cụ thể ra khỏi chương trình lập đề nghị và có đánh giá tác động đòi hỏi cao hơn

Về mặt chủ quan, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, có một số lãnh đạo của cơ quan ban, ngành chưa chú trọng và quan tâm đầy đủ đến công tác này.

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Lê Thành Long thì hiện Bộ Tư pháp cũng đang chủ động rà soát các nguồn để đưa vào chương trình luật pháp lệnh cố gắng đảm bảo thứ tự ưu tiên, tính khả thi.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, đề nghị của cán bộ Bộ Tư pháp, nếu như xác định tốt, có thứ tự ưu tiên và đủ thời gian theo quy định của Pháp luật.

Thứ ba là trong các văn bản phải thể hiện rõ quan điểm là đủ điều kiện hay không đủ điều kiện để trình Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Thế Công

    

 

 

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ