Chùa Non - huyền tích và điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch
(Tổ Quốc) - Hàng năm, từ sau Tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng, hàng ngàn tăng ni, phật tử và du khách thập phương với tấm lòng hướng về chốn linh thiêng để cầu an, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc… họ đã vượt qua hơn 1.200 bậc đá để đến với đỉnh núi Thần Đinh, nơi đó còn sót lại dấu tích của ngôi chùa cổ được người dân địa phương gọi là Chùa Non cùng một "Giếng tiên" ở đó nguồn nước chảy mãi không ngừng…
Lên đỉnh núi Thần Đinh…
Chùa Non (hay còn gọi là chùa Kim Phong) chính là ngôi chùa cổ tọa lạc ở trên đỉnh núi Thần Đinh thuộc địa phận xã Trường Xuân (Quảng Ninh - Quảng Bình). Ngôi chùa được tọa lạc trên núi Thần Đinh cao khoảng 400 mét so với mặt nước biển. Theo sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Núi Thần Đinh ở cách huyện Phong Lộc 20 dặm về phía Nam, núi đá cao chót vót... Trên núi có chùa Kim Phong, cạnh chùa có đất để trồng hoa, sườn núi có động sâu thẳm, rộng rãi, cửa động hẹp, phải nghiêng mình mà vào.
Tạo hóa đã tạo nên một hang động trên đỉnh núi với hai tầng đá xếp đặt hệt như bàn ghế, vân đá giống tượng phật, thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Phía tả có động, thạch nhũ trong động có chỗ ẩn, chỗ hiện, chỗ như dát vàng, chỗ như hình voi. Phía hữu có hai động gọi là động Chuông và động Trống, trong ấy thạch nhũ rũ xuống, gõ vào thành tiếng như chuông, như trống nên gọi thế. Ngoài động có giếng đá, nước ngọt không bao giờ cạn".
Theo sử sách ghi lại, Chùa Non được xây dựng năm 1701 dưới triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa. Truyền rằng, trụ trì ngôi chùa là thầy An Khả, thông minh, tài trí hơn người. Chùa Non vì thế tiếng lành đồn xa, phật tử, tăng ni theo về cùng chăm lo phật pháp. Khi thầy An Khả sắp viên tịch, ngài gọi đệ tử đến bên dặn dò hậu sự, lại sai cắt lấy ngón tay út làm vật thiêng trấn chùa, lưu hai câu thơ "Tiền kiếp tử Thần Đinh. Hậu kiếp sinh Càn Long vương". Xong, thầy An Khả về cõi niết bàn. Lạ kỳ thay! Ngón tay út của thầy An Khả không hề bị thối rữa.
Đứng trên đỉnh núi, tại nền chùa Kim Phong, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc đất nước quê hương tươi đẹp với một "Đại Trường Sa" trải dài từ Bắc vào Nam, thấy tàu thuyền vào ra tấp nập trên cửa sông Nhật Lệ; công trình thủy lợi hồ Rào Đá-một công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh từ trước đến nay; thu vào tầm mắt một thành phố trẻ Đồng Hới đang chuyển mình đổi thay từng ngày; dòng Đại Giang uốn lượn dưới chân núi, về hòa cùng sông Kiến Giang thành dòng Nhật Lệ hiền hòa ôm lấy thị trấn Quán Hàu-trung tâm huyện lỵ Quảng Ninh trước khi đổ ra biển Đông.
Vãn cảnh chùa Non…
Thường vào đầu năm mới, người dân địa phương và du khách khắp nơi đã đến với di tích danh thắng Núi Thần Đinh để đi lễ chùa. Khi đến chân núi Thần Đinh, du khách chuẩn bị những đồ lễ cẩn thận và bắt đầu hành trình leo núi với khoảng 1.200 bậc đá mới có thể lên được đỉnh núi. Ở đây du khách sẽ bắt gặp được nền móng của ngôi chùa Cổ trong truyền thuyết và đi xa hơn một chút, du khách sẽ bắt gặp "Giếng tiên" mà theo truyền thuyết kể rằng nơi đây từng được các nàng tiên trên trời xuống tắm.
"Giếng tiên" giờ đây là một hồ nước to chừng khoảng chiếc nong được kết tụ lại từ linh khí trời đất, từ long mạch núi Thần mà quanh năm nước trong vắt, không bao giờ cạn. Du khách vãn cảnh Thần Đinh thường xin nước giếng Tiên về để uống, họ tin rằng sẽ chữa được bệnh tật, làm cho tâm hồn con người thanh sạch.
Núi Thần Đinh là một trong những ngọn núi "đặc biệt" ở chỗ tất cả những đỉnh núi ở đây đều quay về phía Nam nhưng riêng Thần Đinh hướng về phía Bắc… quanh năm khí hậu ôn hòa mát mẻ do vậy hệ sinh thái rừng nơi đây vẫn còn khá nguyên sinh với các loại thảm thực vật, cây gỗ và động vật quý hiếm… do đó muốn được trải nghiệm đòi hỏi phải có sức khỏe, sự dẻo dai và ý chí mới có thể lên được đỉnh núi.
Núi Thần Đinh là nơi có nhiều sử tích huyền thoại liên quan đến câu chuyện chiếc chuông đồng của vua Càn Long đem phụng cúng cho chùa vì tiền kiếp của mình... được tương truyền cho đến bây giờ. Tuy nhiên, thực hư của câu chuyện chưa được xác định rõ ràng nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện huyền tích về một cõi tâm linh ở ngôi chùa này…
Gia đình anh Trần Văn Thanh (ở Dĩ An – Bình Dương) chia sẻ, năm nay sau dịch bệnh, tôi và gia đình về quê ở Bắc Ninh đón Tết nguyên Đán Quý Mão 2023. Trên đường trở về Bình Dương để làm việc, gia đình đã đến điểm di tích danh thắng Núi Thần Đinh để dâng hương cầu an yên và hạnh phúc trong năm mới.
Ngày mồng 5 tết Quý Mão, huyện Quảng Ninh phối hợp với Tổ đình Vĩnh Nghiêm-Chùa Kim Phong tổ chức đại lễ cầu siêu, cầu an và chuỗi hoạt động giao lưu văn nghệ tôn vinh di tích, tổ chức lễ rước nước thiêng từ giếng Tiên trên núi… Lễ được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính với mong muốn cầu cho Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà hạnh phúc...
"Thực sự chúng tôi đã đi nhiều nơi nhưng ở đây thật khác biệt, cả gia đình đã cùng nhau vượt hơn 1000 bậc đá để lên đỉnh núi Thần Đinh, nơi đó có cổ tự phủ rêu phong có lẽ đã tồn tại hàng trăm năm nay, dù rất mệt nhưng lên đến đỉnh chúng tôi cảm thấy tâm trạng rất thoải mái, vui vẻ và đặc biệt lên đỉnh núi là có thể ngắm được toàn cảnh địa phương với những cánh đồng lúa tưởng chừng như vô tận, nhìn được bờ biển và cả cửa biển Nhật Lệ ở xa xa"… anh Thanh chia sẻ.
Điểm đến tâm linh hút khách du lịch…
Theo ông Lê Ngọc Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình cho hay: Di tích danh thắng Núi Thần Đinh được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng là di tích danh thắng từ năm 2009. Kể từ đó đến nay, hàng năm vào dịp Tết đến xuân về các tăng ni phật tử ở khắp nơi đã đến dâng hương, cầu nguyện cho năm mới bình an, mọi sự đều may mắn... ở chùa cổ trên đỉnh núi ngày một đông.
Có thể khẳng định rằng, Núi Thần Đinh chính là điểm gặp gỡ của cộng đồng trong một khối thống nhất của tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, thiên nhiên của quê hương, đất nước; đặc biệt nơi đây là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình nói chung, huyện Quảng Ninh nói riêng. và truyền thống lịch sử văn hóa tín ngưỡng địa phương.
Hàng năm, huyện Quảng Ninh tổ chức lễ hội Núi Thần Đinh vào ngày mùng 5 Tết với những hoạt động với quy mô khá lớn, với các chuỗi hoạt động giao lưu văn nghệ tôn vinh di tích, tổ chức lễ rước nước thiêng từ giếng Tiên trên núi và đại lễ cầu siêu, cầu an… Những hoạt động này không chỉ thể hiện tính ngưỡng của người dân mà ở đó còn giới thiệu mảnh đất và con người và danh lam thắng cảnh của địa phương.
"Những hoạt động của lễ hội với mục đích tuyên truyền, giáo dục ý thức về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa, thiên nhiên của quê hương, đất nước; đặc biệt là di tích danh thắng Núi Thần Đinh - một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình nói chung, huyện Quảng Ninh nói riêng"… ông Huân cho hay.