• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chùa Vàng - chùa Bạc: Nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đất nước Campuchia

Du lịch 06/10/2021 15:57

(Tổ Quốc) - Chùa Vàng - chùa Bạc chắc chắn là một trong những địa điểm thăm quan không thể bỏ qua với du khách khi đến Campuchia.

Cùng với quần thể đến Angkor Wat, chùa Vàng – chùa Bạc chắc chắn là một trong những địa điểm thăm quan không thể bỏ qua với du khách khi đến Campuchia. Tọa lạc ở trung tâm thủ đô Phnom Penh, chùa Vàng – chùa Bạc nằm trong quần thế kiến trúc cung điện Hoàng Gia Wat Preah Keo Morakat. Ngôi chùa to lớn và đẹp đẽ cả về nghệ thuật lẫn kiến trúc, nó mang dáng dấp với lối kiến trúc tiêu biểu của kiến trúc chùa tháp Campuchia. Năm 1962 ngôi chùa được đặt tên là Preah Keo Morakat (tên của một Phật tử) đã đóng góp đá quý xây dựng chùa và hiện tại chùa có tên là Wat Preah Morakat (chùa Vàng - chùa Bạc). Nhiều người thường nghĩ rằng chùa Vàng - chùa Bạc là hai ngôi chùa khác nhau, nhưng thực chất cả hai tên gọi đều có ý nói về một ngôi chùa.

Chùa Tháp: Nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đất nước Campuchia - Ảnh 1.

Chùa Vàng - Chùa Bạc (Ảnh: DiscoverImages)

Sở dĩ được gọi là chùa Vàng - chùa Bạc vì ngôi chùa có đến 5329 miếng bạc lát trên nền nhà, mỗi miếng bạc đều làm thủ công và có trọng lượng 1,125 g và sở hữu pho tượng Phật được đúc bằng vàng ròng có độ cao 2 mét, là tượng Phật nổi tiếng nhất tại Campuchia nặng 90kg và được đính 2086 viên kim cương, trong đó có viên kim cương 25 carat trên vương miện và viên kim cương 20 carat gắn ở ngực. Ngoài ra còn có bức tượng Phật xá lị ngồi trong một tháp nhỏ bằng vàng và bạc, các bảo vật của Vương hậu Kossomak Nearirith, bảo vật đóng góp của các dòng họ quý tộc và vương thất. Bức tượng Phật ngồi trên ngọn tháp trung tâm ngôi đền là bức tượng ngọc lục bảo, phía sau là ngai vàng có kiệu đúc bằng vàng dành cho nhà vua ngôi đi diễu hành khi đăng quang. Có những thông tin khác nhau bức tượng được làm bằng ngọc lục bảo hay pha lê, cũng có những lời tương truyền rằng, vào ban đêm, bức tượng sẽ phát sáng và soi rọi khắp căn phòng này.

Toàn bộ các bức tường trong chùa Vàng chùa Bạc đều có mái che với chiều dài lên tới 642m với các bức tranh miêu tả về sử thi của Ấn Độ được thể hiện rõ nét.

Các công trình chính trong chùa Vàng – chùa Bạc gồm có: Tranh tường sử thi Ramayana (Reamker) nói về sử thi Reamker (phiên bản Khmer hóa từ sử thi kinh điển Ramayana của Ấn Độ); Phòng Dhammasala là nơi các hòa thượng giảng đạo và là nơi tiếp đón khách của vương thất; Tháp Keong Preah Bat chứa đựng dấu chân của đức Phật; Thư viện lưu giữ những cuốn kinh tôn nghiêm và bức tranh voi đực Nandin và một vài bức tượng Phật; Đồi Mondop tượng trưng cho núi Kailassa; Bức tượng vua Norodom (1834-1904); Tháp chuông.

Ngoài ra, chùa Vàng – chùa Bạc còn là nơi lưu giữ lăng mộ của các vị vua gồm: Lăng mộ vua Ang Duong (1845- 1860) được xây dựng năm 1908; Lăng mộ vua Norodom (1834-1904) được xây dựng năm 1908; Lăng mộ vua Suramarit và vương hậu Kossomak được xây dựng năm (1955-1960); Lăng mộ công chúa Kantha Bopha được xây năm 1960.

Ngôi chùa có chức năng văn hóa và lưu giữ bảo vật tôn giáo hơn là chức năng thờ cúng, chứa đựng hơn 1650 đồ vật có giá trị. Tất cả bảo vật có trong chùa Vàng chùa Bạc Campuchia đều do tầng lớp quý tộc và hoàng gia ở Campuchia đóng góp, có giá trị to lớn về vật chất và tinh thần. Hiện nay, chùa Vàng chùa Bạc là nơi nhà vua tổ chức những nghi lễ Phật Giáo của hoàng tộc hoặc Thọ Bát Quan Trai và không có sư trụ trì.

Campuchia cũng có đặc trưng thời tiết tương đồng với Việt Nam, vì vậy, du khách có thể tham quan chùa Vàng - chùa Bạc vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Dù vậy, để có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của ngôi chùa đẹp bậc nhất Campuchia này, thì du khách có thể lựa chọn tháng 9 và tháng 10, lúc này khí hậu ở Campuchia mát mẻ và ôn hòa thích hợp cho các hoạt động tham quan. Tránh đi vào tháng 5 tới tháng 8, đây là mùa hè nên khí hậu Campuchia rất nắng nóng.

Chùa Vàng – chùa Bạc mở cửa tất cả các ngày trong tuần, buổi sáng từ 7:30 – 11:00 và buổi chiều từ 14:00 – 17:00 (trừ những khi có sự kiện quan trọng đang tổ chức tại đây thì địa điểm chỉ dành cho Hoàng gia hoặc Chính phủ). Giá vé tham quan hiện tại từ 10 USD (tương đương 240.000 VNĐ) cho cả quần thể Cung điện.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ