• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chứng khoán sắp bước theo nhịp tăng của nền kinh tế?

Kinh tế 24/10/2018 08:53

(Tổ Quốc - Diễn biến của TTCK đang “lạc nhịp” so với tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng hồi phục của VN-Index hiện ở mức cao sau khi có dấu tạo đáy kép tại khu vực 940 - 960 điểm.

Thực tế, các yếu tố “ngoại biên” đang chi phối mạnh đến diễn biến thị trường và phần nhiều theo chiều hướng tiêu cực, trong đó có thể kể đến các yếu tố như diễn biến lao dốc của chứng khoán toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang…

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,88%. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt từ 6,9 - 7,1%, hoàn thành vượt mức mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chứng khoán sắp bước theo nhịp tăng của nền kinh tế? - Ảnh 1.

Về cơ bản, sức khỏe nền kinh tế vĩ mô có liên hệ chặt chẽ đến diễn biến trên TTCK. Trong ngắn hạn, các yếu tố có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường có thể khiến thị trường biến động không tương đồng với diễn biến của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nền kinh tế duy trì tăng trưởng tốt sẽ được phản ánh lên hoạt động kinh doanh khởi sắc của nhóm doanh nghiệp niêm yết, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) ở mức cao, qua đó tác động tích cực đến mặt bằng giá cổ phiếu.

Đây là lý do quan trọng khiến Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng TTCK trong trung hạn, trong bối cảnh nền kinh tế đang ở chu kỳ hồi phục mạnh mẽ và được dự báo giữ mức tăng trưởng cao, ít nhất cho đến năm 2020, dù trong ngắn hạn, thị trường đang có những diễn biến không mấy tích cực.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, giai đoạn hiện tại, thị trường đang chịu nhiều tác động về mặt tâm lý khi tình hình TTCK thế giới bất ổn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa đi đến hồi kết.

Hiện nay, quy mô nhà đầu tư đã lớn hơn trước rất nhiều, không chỉ có nhà đầu tư trong nước mà còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư, nên nhà đầu tư càng chịu áp lực từ diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới.

Trong ngắn hạn, thị trường trong nước tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến của TTCK thế giới, nhất là thị trường Mỹ. Đặc biệt, Fed vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất, điều này sẽ tác động đến tỷ giá, lãi suất ở các thị trường khác và theo quy luật, TTCK thường phản ứng không mấy tích cực khi lãi suất tăng.

Tuy vậy, theo bà Bình, triển vọng thị trường trong trung và dài hạn sẽ tích cực hơn nhờ diễn biến hồi phục của nền kinh tế, giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc. Hơn nữa, dòng vốn nước ngoài vẫn có những chuyển biến tích cực và cơ hội nâng hạng thị trường đang đến gần.

Cơ quan quản lý sẽ luôn theo sát sự vận động của thị trường và theo dõi sát sao hơn ở những thời điểm thị trường biến động mạnh để đưa ra những thông điệp cụ thể, giúp thị trường vận động và phát triển minh bạch hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, mục tiêu duy trì mức độ tăng trưởng GDP cao và vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ từ đầu năm 2018 là khả thi. Điều này phản ánh thực trạng và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tốt, dù lạm phát gia tăng, tỷ giá biến động mạnh.

Tuy nhiên, trên TTCK, niềm tin nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng mạnh bởi biến động khó lường của TTCK thế giới. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, tâm trạng lo lắng khi nhìn ra bên ngoài đang ảnh hưởng tiêu cực đến động thái giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường.

Nhiều nhà đầu tư quan ngại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang đến một số cơ hội cho Việt Nam, nhưng kèm theo đó không ít rủi ro, thách thức cả về xuất và nhập khẩu.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận xét, diễn biến hiện nay trên TTCK đang phản ánh nỗi sợ hãi nhất thời của những nhà đầu cơ, vốn chiếm phần đông trong cộng đồng các nhà đầu tư và những diễn biến trên TTCK Mỹ và các thị trường châu Á, chứ không phải liên quan đến các số liệu về kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Các chỉ số chính trên TTCK Mỹ đang giảm kể từ đầu tháng 10 đến nay và nhiều thị trường khác trên thế giới giảm theo, do đó không có gì “sai” nếu chỉ số chứng khoán Việt Nam giảm điểm.

Thậm chí, nếu nhìn lại từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư cũng thấy có rất nhiều sự kiện từ bên ngoài tác động lên TTCK trong nước. Những tin xấu như thế đã và đang nhiều lần lấn át các tin tốt vĩ mô trong nước, ví dụ kỳ vọng tăng trưởng GDP nói trên.

“Trong ngắn hạn, tôi nghĩ khả năng phục hồi của TTCK Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế, tài chính thế giới”, ông Lân nói.

Trong quá khứ, mỗi khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, tỷ giá biến động mạnh là TTCK cũng có những biến động lớn. Hiệu ứng tâm lý cũng phần nào chi phối mạnh trên TTCK.

Nhưng "độ lệch pha" giữa diễn biến của nền kinh tế và biến động của TTCK sẽ dần thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế sẽ đi đôi với sự phát triển của TTCK. Hiện tại, sự hồi phục của TTCK chỉ phụ thuộc vào yếu tố thời gian.

“Quan điểm cá nhân tôi khi nhìn qua 12 chỉ tiêu đánh giá nền kinh tế cũng như diễn biến giao dịch trên TTCK thì việc hồi phục sẽ sớm xảy ra. VN-Index đang có dấu hiệu tạo đáy kép khu vực 940 - 960 điểm và khả năng hồi phục trong tuần tới là khá cao”, ông Khánh nhận định.

TTCK điều chỉnh, một bộ phận nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi thị trường, nhưng dự báo không nhiều. Nhiều chuyên gia đánh giá, cơ hội trên thị trường hiện nay là không ít, tất nhiên phải chọn lọc kỹ lưỡng.

Chiến lược phù hợp chủ yếu vẫn là lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, nhất là được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách hay tài sản ròng ngắn hạn.

Gần đây, thị trường có các phiên tăng giảm đan xen khó lường, xét ở góc độ phân tích kỹ thuật thì rủi ro VN-Index giảm điểm và cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá vẫn còn.

Nói về yếu tố tích cực, đó là mùa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm, những doanh nghiệp tốt, lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý III sẽ sớm được cập nhật lại các chỉ số định giá.

Theo đó, P/E sẽ thấp hơn so với trước, có thể kích thích dòng vốn đầu tư từ tổ chức và cổ phiếu nhiều khả năng sớm tăng giá. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, nắm giữ và bỏ qua diễn biến nhất thời của thị trường cũng là một chiến lược đầu tư hợp lý lúc này.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ