• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chừng nào chưa giải quyết được xếp hàng như một giá trị sống cần phải tôn vinh thì chúng ta không bao giờ có được

Văn hoá 25/03/2019 06:30

(Tổ Quốc) - Tại buổi tọa đàm về "xếp hàng dưới góc nhìn văn hóa", các diễn giả đã trả lời những câu hỏi như: Xếp hàng có quan trọng không, tại sao cần phải xếp hàng, xếp hàng mang giá trị gì?

Xếp hàng: Biểu tượng lớn nhất của sự công bằng

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh thì việc xếp hàng luôn dựa trên cái gọi là khan hiếm nguồn lực. Khi có khan hiếm nguồn lực thì chúng ta mới phải xếp hàng. Ông bà tôi nói không phải xếp hàng bao giờ bởi vì ngày xưa là nông nghiệp, chợ nhỏ không có cái gì là khan hiếm lắm, không có tiền thì thôi chứ làm sao mà phải xếp hàng.

Xếp hàng ở Việt Nam có một cái xấu là luôn luôn có những người chen hàng, có khi người ta chỉ đến rồi "cười một cái" là… chen vào, bỏ qua xếp hàng. Thế là có tình trạng, nhiều người chán quá, bất công quá mới… xông lên, phá vỡ xếp hàng. Nhưng sau khi xông lên mới phát hiện là còn chậm hơn trước, và cuối cùng thì vẫn phải xếp hàng. Không chỉ ở Việt Nam cần xếp hàng mà ở nước ngoài họ cũng xếp hàng – Cô Ánh cho biết thêm.

Chừng nào chưa giải quyết được xếp hàng như một giá trị sống cần phải tôn vinh thì chúng ta không bao giờ có được - Ảnh 1.

Các diễn giả trong Talkshow Xếp hàng qua góc nhìn văn hóa. Ảnh qdnd.vn

Chia sẻ thêm về việc người nước ngoài cũng xếp hàng, nhà báo Kim Ngân cho rằng: Thực ra tôi đang sống ở một đất nước mà người ta đùa là "người Thụy Điển đứng một mình cũng xếp hàng", chỉ đơn giản đấy là một thói quen, thói quen đợi đến lượt mình. Và họ chấp nhận điều đó, mình không biết là họ có sinh ra với thói quen đấy không. Khi mình đến Thụy Điển, lúc đó tôi hơn 20 tuổi, tức là không phải tôi sinh ra với cái văn hóa là phải xếp hàng nhưng tự mình chấp nhận vì tất cả mọi người đều làm như thế. Một cái hành động vô cùng đơn giản họ có thể tạo ra xếp hàng đó là cái máy lấy số, người ta sẽ lấy số xong đến lượt mình thì vào thôi, lúc đó tự nhiên thành xếp hàng.

Đồng tình với quan điểm của cô Ánh, nhà báo Kim Ngân nhấn mạnh: chỉ có cái gì không đủ thì mới phải xếp hàng, kể cả chỗ không đủ thì mới xếp hàng. Thực ra xếp hàng là một việc rất công bằng, không ai giơ một cái biển lên tôi là Phó Giáo sư hay tôi là Tổng thống thì không xếp hàng. Tất cả mọi người đều là một cá nhân trong cái hàng đấy. Có lẽ xếp hàng chính là biểu tượng lớn nhất của sự công bằng. Tôi cho rằng văn hóa xếp hàng hay ở chỗ là mình sẽ chấp nhận nó, vì nó công bằng. Mình cảm thấy sau sự chờ đợi, khi đến lượt mình sẽ được thỏa mãn.

Tại sao ở nước ngoài có văn hóa xếp hàng mà ở Việt Nam thì chưa?

Theo các diễn giả khẳng định tại buổi tọa đàm thì Việt Nam chưa có văn hóa xếp hàng. Lý do được PGS.TS Văn Giá cho rằng: thứ nhất là thiếu nguồn lực, ta nhìn dưới góc độ lợi ích, khi nào lợi ích không được thỏa mãn thì cái chuyện xếp hàng vẫn còn, chắc chắn như vậy. Vì người ta vẫn nói là tôi xếp hàng vì tôi tin phía trước tôi có cái để tôi giành được. Thứ hai là góc độ tâm lí, người Việt của chúng ta có tâm lí sốt ruột, nôn nóng, rồi lo sợ mất phần, tâm lí muốn vượt trội, muốn hơn người khác,… thế là sinh ra chuyện muốn chen lên, không muốn xếp hàng, tìm cách để đi lên nhanh nhất. Cái tâm lí chi phối việc xếp hàng rất mạnh.

Chừng nào chưa giải quyết được xếp hàng như một giá trị sống cần phải tôn vinh thì chúng ta không bao giờ có được - Ảnh 3.

Ảnh minh họa/ Minh Khánh

Còn với cô Ánh thì cho rằng, vì chúng ta có văn hóa thứ bậc, tức là sẽ có người này được ưu tiên hơn những người kia. George Owell từng nói một câu rất vui là "All animals are equal, but some animals are more equal than others". Người Việt Nam cũng vậy, đáng ra xếp rằng hàng như bạn Ngân nói là biểu tượng của sự công bằng nhưng mà bởi vì người Việt không tin là mình sẽ được đối đãi công bằng, chúng ta luôn nghĩ rằng là trong thứ bậc xã hội thì tôi không đến được cái này cái kia. Thứ hai là môi trường của chúng ta không minh bạch, chỉ cần khuất mắt đi một cái là người ta sẽ không xếp hàng, người Việt không có tinh thần kiên nhẫn xếp hàng vì người ta sợ là người ta sẽ bị thiệt.

Mặc dù là chúng ta đều là văn hóa Á châu nhưng chúng ta nhìn người Nhật sẽ thấy khác. Tiếp đến là vấn đề về nam tính và nữ tính chưa có sự công bằng. Vần đề nữa là e ngại sự rủi ro, trọng quan hệ. Một phần chúng ta đi quan hệ là để mong một ngày đẹp trời nào đấy mình có thể sử dụng được cái mối quan hệ đấy. Thế nên những giá trị văn hóa kiểu tương tự như vậy thì tiềm ẩn chuyện con người không tin nhau và khi con người không tin nhau thì chúng ta không tin vào sự công bằng, không tin vào sự minh bạch, và vì thế nên dẫn đến hành động chúng ta không xếp hàng - cô Ánh cho biết.

Chừng nào chưa giải quyết được xếp hàng như một giá trị sống cần phải tôn vinh thì chúng ta không bao giờ có được - Ảnh 4.

Một cảnh xếp hàng mua vé xem bóng đá ở khu vực sân Mỹ Đình. Ảnh: Nam Nguyên

Với nhà báo Kim Ngân thì cản trở lớn nhất trong giáo dục chính là gia đình. Cái tinh thần gia đình lo cho người khác trong gia đình của người Việt Nam rất lớn. Mình đã nhiều lần thấy một cụ già đứng xếp hàng và mình nhường cho cụ, trong khi đó cháu cụ thì trẻ, khỏe không khác gì mình. Yếu tố gia đình của người Việt Nam rất lớn, bạn hãy tưởng tượng xem nếu đứa trẻ nhìn thấy mẹ mình không xếp hàng, bố mình không xếp hàng thì bạn ấy có xếp hàng không?

Theo tôi nghĩ cái quan trọng đầu tiên và là cuối cùng, hãy đánh thức mọi người, coi xếp hàng như một giá trị sống và lúc đó chúng ta sẽ có tất cả. Còn chừng nào chưa giải quyết được câu chuyện xếp hàng như một giá trị sống cần phải tôn vinh và theo đuổi thì chúng ta sẽ không bao giờ có được giá trị ấy – PGS.TS Văn Giá đưa ra quan điểm.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ