• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Chúng ta cần tôn trọng quyền của đoàn làm phim “Kong: Skull Island””

Văn hoá 17/03/2016 14:07

(Tổ Quốc)- “Trong quá trình báo chí tác nghiệp, phải tôn trọng nguyên tắc đoàn làm phim đã đề ra”.

(Tổ Quốc)- “Trong quá trình báo chí tác nghiệp, phải tôn trọng nguyên tắc đoàn làm phim đã đề ra”.

Lần đầu tiên một đoàn làm phim Hollywood đến quay phim tại Việt Nam. Sự kiện hấp dẫn được truyền thông thông tin đều đặn. Tuy nhiên, thông tin nhiều và chưa chuẩn xác đã và đang làm ảnh hưởng đến lịch quay, bảo mật thông tin về bộ phim của đoàn làm phim “Kong: Skull Island”. Ngày 16/3, nhà sản xuất bộ phim “Kong: Skull Island” thông qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn CJ CGV Việt Nam, nhà phát hành chính thức của bộ phim này tại Việt Nam, đã gửi một bức thư mang tính chất cảnh báo cho báo chí Việt Nam. Việc thông tin của báo chí có vi phạm quy định của đoàn làm phim? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Phan Đình Tân- Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL để làm rõ hơn vấn đề này.

+ Quan điểm của ông như thế nào về việc đoàn làm phim “Kong: Skull Island” gửi cảnh báo đến truyền thông Việt Nam?

- Tôi đã nhận được và đọc thông tin từ hôm qua, trong đó có mấy điều mà phía đoàn làm phim dùng từ “cảnh báo giới truyền thông”, tôi cũng đã dự báo từ trước.

Thứ nhất là cái cảnh báo tên phim là đưa tên không đúng. Không phải là “Kong II” mà là “Kong: Skull Island”.

Thứ hai là lịch trình của người ta không được công bố, làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của họ.

Thứ ba là khi mà khai thác hình ảnh gì đó là ảnh hưởng đến đời tư, chất lượng công việc của họ.

Và một số thông tin trong đó tôi thấy rất đúng. Họ khẳng định tính chuyên nghiệp của họ và đồng thời trong đó cũng bộc lộ ra tính thiếu chuyên nghiệp của một số cơ quan truyền thông, báo chí, phóng viên. Chúng ta không nói tất cả báo chí nhưng tôi thấy việc cảnh báo này rất cần thiết.

Ngay từ khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” mới đến Việt Nam, tôi đã trả lời trên báo chí rằng đây là việc làm phim nhưng mà cái tiếp theo của chúng ta là hình ảnh đất nước.    

Và tôi mong muốn là người dân, ở những nơi đoàn làm phim đi qua và các phóng viên báo chí khi tiếp cận, phải chuyên nghiệp chứ không nên tạo ấn tượng về sự tò mò làm người ta khó chịu. Tôi lấy ví dụ ngay cả buổi họp báo đầu tiên ra mắt đoàn làm phim, một số phóng viên đặt ra những câu hỏi gây cho người ta sự khó chịu, thể hiện sự tò mò chứ không phải tác nghiệp chuyện nghiệp.

Có một số nguyên tắc chúng ta không được vượt qua. Người ta cũng cảnh báo rồi là không được làm ảnh hưởng đến công tác của đoàn làm phim và chúng ta cũng nên tôn trọng. Tất nhiên tôi cũng nói số ít thôi. Tôi cũng thấy có nhiều báo đưa rất chừng mực và vừa phải. Tuy nhiên có một số phóng viên có biểu hiện như vậy và việc họ cảnh báo tôi thấy rất cần thiết. Khi mà chúng ta không nói được với nhau để người ngoài nói thì sẽ khách quan.

+ Theo ông việc này có ảnh hưởng đến việc sau này các đoàn làm phim khác cũng e ngại khi đến quay ở Việt Nam hay không?

- Tôi nghĩ việc này cũng chưa phải là quá lớn để các đoàn làm phim trên thế giới e ngại không đến Việt Nam nhưng chúng ta cần nghiêm khắc hơn. Và tôi đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng vào cuộc. Những báo chí nào có vi phạm và không sửa thì tôi đề nghị lần sau các báo đấy không được tham gia các buổi họp báo và không được tiếp cận thông tin nữa. Còn về hình ảnh của Việt Nam thông qua việc này tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng lắm, tuy nhiên chúng ta cần rút kinh nghiệm ngay chứ nếu để trượt dài thì sẽ không ổn. 



Đoàn làm phim "Kong: Skull Island" tại Việt Nam (ảnh Internet)

+ Qua sự việc này, ông thấy chúng ta cần rút ra điều gì?

- Thông qua việc này tôi thấy chúng ta cần phải học tập về tính chuyên nghiệp, thái độ nghiêm túc làm việc và quy mô làm phim của họ chúng ta phải học rất nhiều. Cách ứng xử của họ với báo chí cũng rất chuyên nghiệp.

+ Ông có lời nhắn nhủ nào đến truyền thông Việt Nam, những phóng viên đang quan tâm đến thông tin này?

- Phóng viên, báo chí là một kênh rất quan trọng để người dân tiếp cận thông tin. Tuy nhiên chúng ta cần có chuẩn mực, nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp và chúng ta không nên vượt quá những quy định. Chúng ta tôn trọng họ là đồng thời tôn trọng mình. Cho nên trong quá trình tác nghiệp thì tôi đề nghị phóng viên lúc đi làm việc là phải tôn trọng nguyên tắc người ta đề ra. Thứ 2 lúc đặt câu hỏi, đưa thông tin chúng ta cần tỉnh táo, có thông tin chứ không chỉ là sự tò mò, thiếu chuyên nghiệp. Và tôi cũng đề nghị là ngoài các phóng viên đi chụp hình trực tiếp theo dõi thì các Tổng biên tập, Trưởng ban Thư ký tòa soạn cũng cần kiểm duyệt bài chặt chẽ.

Nếu không như vậy chúng ta sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính tôn trọng, như thế chúng ta sẽ bị ảnh hưởng lâu dài hơn. Tôi cũng mong muốn là báo chí có thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm hơn trong việc đưa tin.

+ Nhưng việc thông tin của báo chí không sai, không vi phạm luật?

- Phía họ có đề nghị hạn chế và bảo mật thông tin. Phía họ có truyền thông của họ và họ muốn truyền thông của mình tiếp cận truyền thông của họ, họ sẽ cung cấp những gì và được đăng thế nào. Tôi nghĩ thế là hợp lý. Cũng không nên là vượt quá giới hạn. Ở đây họ muốn giữ yếu tố bất ngờ cho bộ phim để khi công chiếu có những cái để lại ấn tượng sâu sắc chứ không phải điều tra về tội phạm mà chúng ta phải làm mọi cách để đi theo đưa thông tin ra ngoài.

Có cơ quan báo chí thông tin có trách nhiệm với bản thân mình, xã hội nhưng cũng có cơ quan báo chí, một số người sẽ lợi dụng thông tin. Đấy là điều đương nhiên vì có những người muốn gây scandal để quảng bá cho mình. Nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc, nhiều khi có những thông tin chấp nhận được có những thông tin thì không, và vì lợi ích lớn hơn là lợi ích quốc gia chứ không chỉ là lợi ích của một tòa soạn.

+ Bộ VHTTDL sẽ có ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý báo chí về thông tin này không, thưa ông?

- Tôi nghĩ thư của họ cũng sẽ được gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, tùy theo chức năng của từng ngành quản lý mà phía Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm quản lý báo chí về việc này.

+ Xin cảm ơn ông!



Sáng 16/3, nhà sản xuất bộ phim “Kong: Skull Island” thông qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn CJ CGV Việt Nam, nhà phát hành chính thức của bộ phim này tại Việt Nam, đã gửi một bức thư cho báo chí Việt Nam. Trong thư, Đoàn làm phim bày tỏ vinh dự khi "Skull Island" là bộ phim Hollywood đầu tiên được cấp phép để thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam với sự hợp tác từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như chính quyền các địa phương liên quan của Việt Nam. Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức của truyền thông về việc công bố lịch di chuyển của đoàn làm phim, thông tin sai về tên phim… đã ảnh hưởng nhiều đến lịch trình thực hiện của đoàn làm phim.

Các hoạt động của đoàn làm phim đều được các đối tác Việt Nam cam kết bảo mật bằng thỏa thuận văn bản, do đó các thông tin được công bố có thể không phản ánh chính xác những gì đoàn phim đang thực hiện. Ngoài ra, việc này gây ảnh hưởng đến sự riêng tư và năng suất làm việc của đoàn trong khi thời gian sản xuất đang phải rất chính xác với tiến độ. Do đó, đoàn kêu gọi bảo vệ bí mật và sự riêng tư cho đoàn làm phim.


Hà An (thực hiện)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ