• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Chúng ta đã thực sự coi trọng văn hóa, con người như Nghị quyết 33 yêu cầu chưa?"

Thời sự 07/05/2019 08:36

(Tổ Quốc) - Đây là câu hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra trong buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng vào chiều 6/5 về Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khoá XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".

Chúng ta đã thực sự coi trọng văn hóa, con người như Nghị quyết 33 yêu cầu chưa? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Đình Nam


Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 290 ngàn hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 722 ấp, khóm văn hóa, 9 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 6 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Việc thực hiện nếp sống văn minh, các quy định trong việc cưới có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình bạo lực gia đình được ngăn chặn hiệu quả. 109/109 xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thực chất, thiết thực, thu hút được đông đảo người dân với 227 câu lạc bộ và đội văn hóa, văn nghệ. Mạng lưới thư viện tiếp tục được mở rộng với 219 thư viện, phòng đọc sách phục vụ 6,7 triệu lượt người, trên 13 triệu lượt tài liệu. 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, câu hỏi lớn nhất đặt ra khi chuẩn bị sơ kết Nghị quyết 33 là chúng ta đã thực sự coi "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" như Nghị quyết yêu cầu chưa?

Qua báo cáo của tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo các Bộ ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Sóc Trăng cần làm rõ những đặc thù của tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33, đồng thời phân tích sâu sắc bất cập, hạn chế của các chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục, nông thôn mới trong các phong trào thi đua.

Chúng ta đã thực sự coi trọng văn hóa, con người như Nghị quyết 33 yêu cầu chưa? - Ảnh 2.

Ảnh VGP/Đình Nam

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế giải quyết bằng được tình trạng thiếu bác sĩ ở Sóc Trăng và một số tỉnh ở miền Tây Nam bộ thông qua các hình thức đào tạo đa dạng, có sự tham gia của các bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế phải tạo điều kiện tối đa cho địa phương đổi mới hệ thống y tế cơ sở, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân...

Về giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu, mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, quản trị các trường phổ thông vừa bảo đảm đủ trường lớp cho học sinh nhưng cũng có khả năng cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho một bộ phận người dân đủ khả năng chi trả.  Ngoài phòng giáo dục, hiệu trưởng, ban giám hiệu thì cần có sự tham gia quản lý của cộng đồng, tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh, tạo điều kiện huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch.



PV (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ