(Tổ Quốc) - Với sự nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc biệt là nét văn hoá đặc sắc của người Bru – Vân Kiều ở các xã miền núi của huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) gắn với việc phát triển du lịch, huyện Lệ Thuỷ đã có nhiều hành động cụ thể nhằm giúp người dân đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều phát triển du lịch cộng đồng bền vững…
- 11.12.2023 Đồng Văn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số
- 11.12.2023 Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường xã Tu Vũ
- 10.12.2023 Bảo tồn Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Yên Bái
- 10.12.2023 Vĩnh Phúc bảo tồn và phát huy Hát Soọng cô của đồng bào Sán Dìu
- 09.12.2023 Bảo tồn nghề gốm cổ - Noq truyền thống của người Pa Cô
Tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích – danh thắng
Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, hiện nay, huyện Lệ Thủy có 20 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Được sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao đồng hành cùng UBND huyện Lệ Thủy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích - danh thắng ở trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích - danh thắng đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định của pháp luật. Một số di tích trên địa bàn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khi đến với Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở huyện Lệ Thủy đó chính là đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, công tác xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa ngày càng được đẩy mạnh. Một số di tích được trùng tu từ xã hội hóa với nguồn kinh phí lớn như Chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy) với tổng số tiền đầu tư hơn 60 tỷ đồng, di tích lịch sử Chiến thắng Xuân Bồ (xã Xuân Thủy) 400 triệu đồng...
Song song với đó, huyện Lệ Thủy cũng đã kêu gọi xã hội hóa các hoạt động lễ hội; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ... Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân huyện Lệ Thủy. Ngoài Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy còn quan tâm khôi phục, phát huy các lễ hội truyền thống như: Lễ hội chùa Hoằng Phúc, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều (xã Ngân Thủy) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chung tay xây dựng không gian văn hóa đặc sắc
Huyện Lệ Thủy cũng đã chú trọng xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho các di sản văn hóa có môi trường để duy trì, phát triển. Nâng cao ý thức, tạo sự đoàn kết, gắn bó của người dân trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. 100% thôn, bản ở huyện Lệ Thủy đã có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao và đây là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Hằng năm, vào các ngày lễ, Tết hay các dịp lễ hội, nhiều địa phương đã tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như bài chòi, đẩy gậy, kéo co, chơi đu... Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ quần chúng cũng được phát triển ngày càng sâu rộng, chất lượng các chương trình nghệ thuật, hội thi, hội diễn, liên hoan... được nâng cao. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, không thể thiếu các làn điệu dân ca, điệu hò mộc mạc, sâu lắng, nhất là các làn điệu Hò khoan Lệ Thủy, điệu hò gắn liền với quá trình khai hoang, lập ấp, quá trình lao động sản xuất của cư dân nông nghiệp vùng sông nước Lệ Thủy và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, các nét đẹp văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc vùng miền ở huyện Lệ Thủy còn được ẩn chứa ở nhiều làng nghề truyền thống như: Làng nghề chiếu cói An Xá (xã Lộc Thủy), làng nghề nón lá Quy Hậu (xã Liên Thủy), làng nghề chổi đót Lệ Bình (xã Mai Thủy), làng nghề đan lát Xuân Bồ (xã Xuân Thủy), làng nghề rượu Tuy Lộc (xã Lộc Thủy)... Các làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ là những điểm tham quan, trải nghiệm thú vị đối với du khách, góp phần giới thiệu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Lệ Thủy đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, truyền dạy di sản; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; bố trí nguồn kinh phí hợp lý,... Đồng thời, huyện Lệ Thủy cũng chú trọng, quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.