(Tổ Quốc) - Tiếp tục chuỗi hoạt động Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong khuôn khổ tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC
Theo Đặc phái viên TTXVN, từ ngày 14-16/11, tại Trung tâm Hội nghị Moscone, San Francisco, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023 với sự tham dự của gần 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được tổ chức hằng năm nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC.
Với chủ đề “Kiến tạo các cơ hội kinh tế: Bền vững, Bao trùm, Tự cường, Sáng tạo," Hội nghị năm nay gồm 20 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp như: tình hình kinh tế thế giới, địa chính trị toàn cầu, chính sách thương mại vì bao trùm và bền vững, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi, nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp trong một thế giới khủng hoảng, vai trò của Đổi mới Sáng tạo, tương lai của Trí tuệ Nhân tạo, xây dựng hệ sinh thái cho ý tưởng sáng tạo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Chile Gabriel Boric, Tổng thống Peru Dina Boluarte, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim là những khách mời danh dự của hội nghị năm nay.
Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững và bao trùm," Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra 4 mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay.
Một là kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Hai là sau hơn 3 thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hóa và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ.
Ba là khoa học-công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; khoa học-công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Bốn là các nền kinh tế theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Chủ tịch nước nhấn mạnh để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.
Thứ nhất, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia.
Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị từ quá trình này.
Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Theo Chủ tịch nước, APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thoả thuận hợp tác toàn cầu. APEC cũng đi đầu trong thúc đẩy Tăng trưởng Xanh, ứng phó thiên tai, ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Trong những thành công đó luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Chủ tịch nước cho rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.
Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội; tăng cường đầu tư vào khoa học-công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải được tiến hành ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Với quan điểm đó, Việt Nam đang triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp: một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; hai là, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về khí hậu; ba là, tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ phân biệt trong xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định để thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới; và thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển.
Với chủ trương lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: khoa học - công nghệ, Đổi mới Sáng tạo; (ii) Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn, Kinh tế Tri thức; linh kiện điện tử, ôtô điện...; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; phát triển trung tâm tài chính, tài chính xanh; và công nghệ sinh học, y tế...
Chủ tịch nước nhấn mạnh thành công của APEC chỉ có thể đạt được trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân và khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân.
Chủ tịch nước trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ
Trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 15/11 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 16/11, theo giờ Việt Nam, tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR).
Theo đặc phái viên của TTXVN, sự kiện có sự tham dự của ông Michael Froman, Chủ tịch CRF và nhiều chuyên gia, học giả, cùng một số cơ quan báo chí tại Hoa Kỳ.
Cuộc trao đổi được điều hành bởi ông Scott Marciel, một diễn giả uy tín, nghiên cứu viên Oksenberg-Rohlen tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, ông từng đảm trách nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ, phụ trách khu vực Đông Nam Á; từng là nhà ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên làm việc tại Hà Nội sau chiến tranh.
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch CFR Michael Froman nhấn mạnh đến sự phát triển ấn tượng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vai trò ngày càng lớn của hợp tác kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ khi thương mại hàng hóa song phương tăng lên 139 tỷ USD - gấp hơn 300 lần so với năm 1995.
Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ.
Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, ông Michael Froman cho rằng, các sáng kiến kinh tế trong khu vực cũng được tăng cường nhờ sự tham gia của Việt Nam. Điều này có được là có phần nhờ vào cơ chế chính sách đặc biệt của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hiệu quả của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu trước các học giả Hoa Kỳ, giới thiệu những nét chính về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, qua gần 40 năm Đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Kinh tế phát triển nhanh; hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua. Là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn của Liên hợp quốc, từ trên 50% (năm 1986) nay giảm xuống còn 4,3%. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.
Cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong quá trình đổi mới, nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển.
Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Từ truyền thống và triết lý của dân tộc mình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, chúng tôi thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột; để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế...
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, năm tháng sau ngày Việt Nam độc lập (16/02/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã phải trải qua nhiều thác ghềnh, thử thách.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Phương châm của Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ là 'gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.' Chúng tôi nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tin cậy nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng.
Lãnh đạo Hoa Kỳ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam 'mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.'. Chúng tôi xác định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình.”
Trao đổi với các học giả CFR, trả lời câu hỏi của ông Scott Marciel về thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, Việt Nam mong muốn Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ cần quan tâm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị; không nên theo quy định một cách cứng nhắc.
Cùng với đó, Hoa Kỳ cần sớm tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn. Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về vấn đề này.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì trong chuyến công tác Hoa Kỳ lần này có các thỏa thuận hợp tác của các Trường Đại học Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề vai trò của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình thúc đẩy hợp tác hai nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có người Việt Nam ở Hoa Kỳ, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Trong thành tựu đổi mới 40 năm vừa qua, đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đó có đóng góp của Việt kiều tại Hoa Kỳ cũng như người Việt Nam tại các nước khác trên thế giới.
Chủ tịch nước mong muốn người Việt Nam tại Hoa Kỳ hòa nhập tốt vào cộng đồng sở tại; ngày càng khẳng định vị trí của mình trong đời sống kinh tế-xã hội của Hoa Kỳ. Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt đầu tư tại Việt Nam.
Chủ tịch nước hoan nghênh và mong muốn người Việt tại Hoa Kỳ thường xuyên về Việt Nam để chứng kiến thực tiễn và những đổi thay của đất nước, chia sẻ hơn với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hiện nay. “Trăm nghe không bằng một thấy,” người Việt ở Hoa Kỳ về Việt Nam chắc chắn sẽ vui mừng trước những thay đổi của đất nước thời gian qua, Chủ tịch nước nói.
Trả lời câu hỏi của một học giả về sự phát triển của thương hiệu xe hơi Vinfast, Chủ tịch nước cho biết trong công nghệ sản xuất ôtô, Việt Nam là nước đi sau. Đến nay tỷ lệ sản xuất, xuất khẩu xe hơi trong thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài chưa nhiều. Nhưng Việt Nam thúc đẩy sản xuất công nghệ xanh, sạch trong sản xuất xe hơi. Do đó, xe điện Vinfast là một cố gắng của doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai định hướng sản xuất công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Liên quan đến câu hỏi về vấn đề những khó khăn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần có sự ủng hộ, giúp đỡ về quyết tâm chính trị, thông qua những hành động cụ thể của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là việc hỗ trợ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam bởi đây là vấn đề liên quan đến dòng chảy sông Mekong, cần có sự chung tay của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Hợp tác doanh nghiệp là nền tảng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Tiếp tục các hoạt động trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, chiều 15/11 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Tiến sỹ Brendan Nelson, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu.
Cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dành thời gian tiếp, ông Brendan Nelson chúc mừng Việt Nam đã đạt những thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, đặc biệt là tỷ lệ giảm nghèo bền vững của Việt Nam rất ấn tượng.
Ông Brendan Nelson cho rằng việc phát triển ngành hàng không sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước và người dân; khẳng định Boeing cam kết xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam; trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.
Ông Brendan Nelson mong muốn với kinh nghiệm của mình, Boeing sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo phi công, kỹ thuật viên, đội ngũ phục vụ bay; hỗ trợ về quy định an toàn bay và đội ngũ quản lý an toàn bay; xây dựng, vận hành trung tâm bảo dưỡng, bảo trì máy bay.
Đánh giá cao kết quả hợp tác kinh doanh giữa Boeing và các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng được thúc đẩy và phát triển với những công việc cụ thể.
Cảm ơn những đánh giá của ông Brendan Nelson về thành tựu giảm nghèo tại Việt Nam, Chủ tịch nước mong muốn sẽ ngày càng có nhiều hơn hoạt động hợp tác giữa Boeing với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Việc hợp tác tạo ra hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam là rất quan trọng và đây cũng là lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu bởi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng.
Chiều 15/11 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC.
Cuộc trao đổi có sự tham dự của ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN, và đại diện lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực như Apple Inc., Boeing, BowerGroupAsia, Cargill, Chubb, Citi, Crowell & Moring International, East West Bank, FedEx, Google, KKR, Mayer Brown, Meta Platforms, Microsoft, Moody's, Organon, Pfizer, Procter & Gamble, Prudential Financial, Inc., PwC, UPS, Visa, Walmart, Western Digital Corporation…
Trên đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao thành tựu và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đề xuất những ý tưởng, lĩnh vực Việt Nam cần tập trung cải thiện để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư, phát triển các cảng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng số, đẩy mạnh cải cách, thông quan điện tử…
Cùng với đó là quyết tâm hơn nữa trong triển khai các chính sách về chuyển đổi số, thanh toán một chạm; các giải pháp quản lý chi tiêu của chính phủ; chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ về những chính sách và định hướng chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế; nhấn mạnh nhiều năm qua Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, qua đó mang lại giá trị thiết thực cho cả hai bên.
Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng đầu tư vào Việt Nam đạt hiệu quả cao, đem lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Việt Nam luôn thấu hiểu và chia sẻ với các băn khoăn của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong tiến trình đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là những vấn đề trọng tâm trong nỗ lực đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc hai nước nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và nhất là các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là trên các lĩnh vực là thế mạnh của Hoa Kỳ như đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, nghiên cứu và phát triển…
Việt Nam khuyến khích các chương trình, dự án quan tâm đến phụ nữ, trẻ em, người dân vùng sâu vùng xa và sẵn sàng lắng nghe các ý tưởng mới, khuyến nghị chính sách của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Cho biết trong chuyến công tác đến San Francisco lần này có lãnh đạo một số địa phương giàu tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các địa phương này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ với các địa phương của Việt Nam.
Về một số vấn đề còn đang là trở ngại trong hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng có tiếng nói để Chính phủ Hoa Kỳ sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế hỗ trợ chất bán dẫn để tạo điều kiện cho các chương trình, dự án hợp tác giữa hai bên.
Việt Nam chào đón các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ
Chiều 15/11 (giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự và phát biểu tại Tọa đàm Bàn tròn Kết nối Doanh nghiệp và Địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ.
Cùng dự có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius; đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước là việc xác lập Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 9 vừa qua với đa dạng các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ và hợp tác giữa các địa phương.
Đánh giá cao đông đảo doanh nghiệp, địa phương Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự Tọa đàm Bàn tròn kết nối lần này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng các thỏa thuận và hợp tác cấp cao chỉ thành hiện thực và mang lại kết quả khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và địa phương hai nước.
Với sự hiện diện của đại diện nhiều địa phương có kinh tế phát triển mạnh mẽ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên; các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, Chủ tịch nước tin tưởng hợp tác giữa hai nước sẽ tích cực và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Những thành công ấn tượng của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cho đến nay là minh chứng rõ nét về cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ Việt Nam chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như công nghệ cao, sản xuất chip, chất bán dẫn, kinh tế Xanh, kinh tế Số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Việt Nam đang nỗ lực tối đa để đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam yên tâm kinh doanh, mở rộng sản xuất, đầu tư phát triển.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Những vấn đề mà các bạn chưa hài lòng, chưa an tâm về thủ tục hành chính, về cách thức giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đó cũng chính là vấn đề ưu tiên của chúng tôi. Đó cũng là vấn đề chúng tôi chưa thực sự hài lòng và chúng tôi sẽ nỗ lực để khắc phục và giải quyết.
Phát biểu tại tọa đàm, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế và kinh doanh Ramin Toloui đánh giá cao các vấn đề Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu ra về thúc đẩy hợp tác hai nước và cho rằng, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa được xác lập giữa hai nước chính là cơ sở phát triển hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.
Các lợi thế của Việt Nam và sự hợp tác từ phía Hoa Kỳ sẽ giúp xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động cả hai quốc gia cũng như tận dụng tối đa tiềm năng của hai nước.
Nhắc đến ấn tượng về sự đổi thay mạnh mẽ của Việt Nam mỗi lần đến thăm, ông Ramin Toloui cho rằng, điều đó cho thấy triển vọng hợp tác hai nước trong tương lai.
Cho biết, các công ty của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng những chuỗi cung ứng mới, tạo việc làm chất lượng cao cũng như mang tới tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ hàng đầu thế giới, ông Ramin Toloui mong muốn Việt Nam tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tự tin đầu tư vào Việt Nam.
Dẫn chứng cơ hội thành công dành cho nhà đầu tư Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết tại Thành phố Hồ Chí Minh, Intel đang tiên phong trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững.
Ngoài ra, hai nước cũng có những dự án hợp tác quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất hợp kim tại Hải Phòng, Đà Nẵng…
Tại tọa đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn cấp cao Việt Nam và các quan chức Hoa Kỳ đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong một số lĩnh vực như giáo dục và đào tạo; giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị và du lịch sinh thái; tiêu thụ nông sản; ươm tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch; cơ sở hạ tầng cảng biển; trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lượng tái tạo...
Đáng chú ý, tại sự kiện này, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) và Tập đoàn Phát triển Đô thị Kinh Bắc ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp của hai nước như Thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, SaigonTel với Công ty Allotrope Partners về hợp tác, nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh Hưng Yên trong công tác giảm phát thải ròng; Thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Phát triển Đô thị Kinh Bắc với Cảng Los Angeles về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư, phát triển Cảng Tổng hợp Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; Thỏa thuận hợp tác giữa SaigonTel, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh với Energy Capital và các đối tác về hợp tác, phát triển, tích hợp các giải pháp trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông; hợp tác nghiên cứu phân tích cơ hội giảm phát thải của Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu công nghệ, lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phát thải thấp, phát thải bằng 0; Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, SaigonTel với Energy Capital, Allotrope Partners, Maius về hợp tác hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đầu tư phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo trong thành phố.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm gia đình Kiều bào tại Hoa Kỳ
Trong khuôn khổ chuyến công tác tới thành phố San Francisco, bang California (Hoa Kỳ) tham dự Hội nghị Các Nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023, chiều 15/11 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã thăm gia đình Việt kiều Phạm Văn Tịch và gặp mặt một số Kiều bào tại nhà riêng của ông Tịch.
Ông Phạm Văn Tịch sinh năm 1952 tại Quảng Nam, trong một gia đình yêu nước, có bố và chú ruột là cán bộ Việt Minh thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ nhỏ, ông đã sớm được giác ngộ và tham gia các hoạt động hỗ trợ bộ đội, chuyển thư từ, tuyên truyền…dưới sự hướng dẫn của các cán bộ cách mạng.
Năm 1967, trong một trận bom, ông bị thương nặng và phải cưa hai chân, sau đó may mắn gặp một nhóm bác sỹ và nhà thiện tâm yêu chuộng hòa bình đưa sang Hoa Kỳ điều trị trong số 100 trẻ em bị thương nặng. Sức khỏe của ông ngày càng ổn định và được một gia đình Hoa Kỳ nhận nuôi và cho ăn học.
Là người có nghị lực mạnh mẽ, chứng kiến sự tàn khốc và là nạn nhân chiến tranh, được sự cưu mang và động viên của gia đình, ông đã vượt qua nghịch cảnh để học tập, tốt nghiệp và trở thành chuyên gia ngành khoa học máy tính tại đại học Berkeley, California.
Ông Phạm Văn Tịch đã tham gia tổ chức và cùng nhiều du học sinh ở Hoa Kỳ và người Hoa Kỳ yêu chuộng hoà bình xuống đường biểu tình đòi rút quân, phản đối chiến tranh Việt Nam, kết hợp và tham gia cùng ông Nguyễn Văn Luỹ vào Hội Liên hiệp Việt kiều tại Hoa Kỳ, sau đổi tên thành Hội Việt kiều yêu nước tại Hoa Kỳ.
Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục tích cực hoạt động, vận động quyên góp ủng hộ trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn, hỗ trợ ủng hộ các phái đoàn, cơ quan ngoại giao của Việt Nam trong những ngày đầu thành lập tại Hoa Kỳ.
Hiện ông Tịch tuổi cao sức yếu, nhưng gia đình ông vẫn là mái ấm của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đang học tập tại khu vực Oakland, California.
Trong không khí ấm áp, thân tình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng thông tin về những thành tựu quan trọng, những bước phát triển mới của đất nước trong nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; cũng như sự lớn mạnh trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với 193 quốc gia trên thế giới.
Nổi bật trong đó, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vừa được nâng cấp trở thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; tạo điều kiện, nâng cao vị thế của bà con người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công ơn của Kiều bào, cũng như những người bạn Hoa Kỳ thầm lặng tham gia vào phong trào phản chiến, đóng góp một phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước ghi nhận bề dày truyền thống và những đóng góp của các Kiều bào và Hội Việt kiều yêu nước cho sự hình thành và phát triển của Phái đoàn Thường trú Việt Nam Bên cạnh Liên hợp quốc, nhất là trong những ngày đầu còn hết sức khó khăn.
Tới nay, dù tuổi cao, nhiều Kiều bào vẫn luôn mang tấm lòng hướng về quê hương, trở thành một trong những cầu nối quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước mong rằng các thế hệ Kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, chủ động thông tin để cộng đồng bà con ta tại Hoa Kỳ, nhất là Kiều bào trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba, hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và bà con ta tại Hoa Kỳ nói riêng là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước mong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ không ngừng đoàn kết, tuân thủ pháp luật và tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hoa Kỳ, quan hệ song phương hai nước, cũng như công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Việt Nam.
Trước khi chia tay gia đình ông Tịch và các Kiều bào để tiếp tục các hoạt động của chuyến công tác, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng một lần nữa cảm ơn sự tiếp đón thân mật dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và đoàn, chúc các Kiều bào và gia đình nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Bệnh viện và Trung tâm Nghiên cứu Y tế thuộc Đại học Stanford.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng đến thăm Đại học Stanford, nơi đào tạo nhiều nhà khoa học, bác sỹ, chính trị gia, luật sư, lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, nơi sở hữu 70 giải Nobel, hàng trăm nghìn sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như sự phát triển của nhân loại.
Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng về các nghiên cứu của các giáo sư, nhà khoa học Bệnh viện Stanford có nhiều công trình khoa học nghiên cứu phòng chống dịch bệnh; sản xuất các loại thuốc mới điều trị ung thư cũng như các biện pháp tầm soát các bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe con người.
Nhắc lại một trong những nội dung của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vừa được xác lập là hợp tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe con người, Chủ tịch nước mong muốn Bệnh viện phối hợp với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California và Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles Erin Bromaghim nhân dịp Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Cuộc gặp diễn ra trong không khí hữu nghị, thân tình và cởi mở.
Thống đốc Gavin Newsom nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ vinh dự được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm bang California. Thống đốc nhấn mạnh bang California cam kết xây dựng quan hệ lâu dài, bền vững với châu Á, trong đó có Việt Nam.
Thống đốc bày tỏ tự hào khi California là bang có nhiều người gốc Việt sinh sống nhất ở Hoa Kỳ cũng như có thành phố San Francisco là thành phố kết nghĩa với Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng gặp Thống đốc Gavin Newsom, đánh giá cao tình cảm và sự quan tâm của Thống đốc, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân của bang California ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam phù hợp với nhu cầu, tiềm năng và lợi thế của hai bên; đặc biệt tự hào khi được biết Chính quyền thành phố San Francisco và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã phối hợp tổ chức Lễ Thượng cờ Việt Nam nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), cho thấy tình cảm và sự trân trọng của lãnh đạo và nhân dân bang California đối với Việt Nam.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, bền vững và với ưu thế như có đường bay thẳng, có cộng đồng người gốc Việt lớn, có nhiều nhà đầu tư hai nước, California sẽ là bang tiên phong trong phát triển quan hệ song phương.
Chủ tịch nước đề nghị Thống đốc ủng hộ để có thêm các cặp thành phố kết nghĩa mà trước mắt là thành phố Hà Nội và thành phố Los Angeles.
Thống đốc Gavin Newsom khẳng định bang California coi trọng và sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả, thực chất với Việt Nam, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như quan hệ giữa bang California và các địa phương của Việt Nam.
Hai bên vui mừng nhận thấy bang California có quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế-thương mại, thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn và doanh nghiệp của bang đã đầu tư vào Việt Nam và phía Việt Nam cũng có nhiều dự án đầu tư tại California. Thống đốc cũng khẳng định việc lập đường bay thẳng Hà Nội-San Francisco là cơ hội lớn cho giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong Thống đốc Gavin Newsom tiếp tục ưu tiên quan tâm tới cộng đồng người Việt tại bang (là cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ với 700.000 người), tạo điều kiện để bà con làm ăn sinh sống, hòa nhập tốt và có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước và với địa phương sở tại.
Cũng trong chuỗi hoạt động,tiếp Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles Erin Bromaghim, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết vừa có cuộc nói chuyện, trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thân tình với Ngài Thống đốc bang Califorina; đồng thời đánh giá cao tiềm năng và thành tựu trong phát triển của thành phố Los Angeles - trung tâm công nghệ, cảng biển nổi tiếng của Hoa Kỳ và thế giới.
Chủ tịch nước hoan nghênh thời gian qua có nhiều doanh nghiệp của Los Angeles sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam; vui mừng chứng kiến trong chương trình chuyến công tác tới Hoa Kỳ lần này, các doanh nghiệp, địa phương hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển Cảng biển tại thành phố Hải Phòng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết với lợi thế bờ biển dài, Việt Nam có nhiều địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế cảng biển; đồng thời tin tưởng hợp tác giữa Cảng Los Angeles và các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam sẽ thành công, tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác khác giữa hai bên.
Phó Thị trưởng Los Angeles Erin Bromaghim bày tỏ vui mừng và cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành thời gian tiếp; cho biết, sắp tới sẽ cùng một đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ sang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Bà Erin Bromaghim cũng bày tỏ vui mừng vì bang California đã thiết lập quan hệ với thành phố Hà Nội.
Cho biết thời gian qua đã được đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp và địa phương ở Việt Nam đến Los Angeles tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, bà Erin Bromaghim bày tỏ mong muốn có cơ hội được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm Los Angeles để có cơ hội giới thiệu với Chủ tịch nước về những nét đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của thành phố./.