• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình âm nhạc Âm nhạc hòa sắc cam truyền đi thông điệp về bình đẳng giới

Văn hoá 05/12/2022 18:38

(Tổ Quốc) - Ngày 4/12/2022 Chương trình âm nhạc đường phố - We Together- Âm nhạc hoà sắc cam lần đầu tiên được tổ chức, nhằm truyền đi thông điệp về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.

Sự kiện do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Chính phủ Australia.

Chương trình nghệ thuật có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, người sáng tạo nội dung Youtube (Youtuber), Vlogger được nhiều người biết đến như Minh Vương M4U, Vũ Duy Khánh, Trung Trần, Nguyễn Trần Trung Quân, Duy Khoa, AlexD Music Insight, VAnh... Hưởng ứng chương trình, đông đảo học sinh, sinh viên, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia biểu diễn, góp phần nâng cao nhận thức, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình âm nhạc Âm nhạc hòa sắc cam truyền đi thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Chương trình âm nhạc được chia làm ba phần chính: Cô ấy (She), Chúng ta (We) và Hội ngộ (We Together). Những bài hát trong phần "Cô ấy" kể về những người phụ nữ quanh ta, họ có thể là mẹ, vợ, con gái, tri kỷ hay người yêu. Khi "Cô ấy" trưởng thành, trải qua những sóng gió, trở nên mạnh mẽ và trở thành một phần trong "Chúng ta" đầy quyền năng và kiên định, rồi "Hội ngộ" với những người cùng chí hướng để sống hết mình, hiện thực hóa mọi giấc mơ và cống hiến cho cuộc đời.

Trong không gian âm nhạc, nhiều cung bậc cảm xúc đến từ những ca khúc như "Mẹ tôi", "Cha và con gái", "Em sẽ là cô dâu", "Mẹ tuyệt vời nhất"... như sợi dây ngôn ngữ gắn kết mọi người, truyền tải thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11 - 10/12) và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15/11 - 15/12).

Màu cam được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chọn là màu của chiến dịch vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao – thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu với tư cách là một trong những hình thức vi phạm quyền con người nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới. Tô cam thế giới là chiến dịch kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em trên toàn cầu.

Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong khi đó, theo như Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam năm 2019, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời.

Thủy Bích (t/h)



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ