(Tổ Quốc) -Từ ngày 13-15/11 tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và Nhà hát lớn Hà sẽ diễn ra chương trình âm nhạc kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Áo – Việt Nam: Phương trời thứ năm.
Tác phẩm “Phương trời thứ năm” thuộc sáng tác của Gregor Siedl & Cao Thanh Lan. Sáu hồi của tác phẩm – mỗi hồi có liên quan tới một thời điểm hay một giai đoạn chuyển tiếp trong một đời người: sự sinh ra, trưởng thành, tình yêu, lao động và sáng tạo, sự héo tàn, ra đi và lại bắt đầu.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong âm nhạc gồm: Nguyễn Kim Oanh – hát, Gregor Siedl – kèn clarinet, tăm lay, âm thanh và kỹ thuật điện tử, Cao Thanh Lan – synthesizer, daxophone, âm thanh và kỹ thuật điện tử, Lữ Mạnh Cường – bộ gõ, kèn pí thiu.
![]() |
Phương trời thứ năm là một khái niệm đã có từ nhiều nền văn hoá cổ xưa ở châu Á, lục địa Á-Âu, Nam Mỹ và tượng trưng cho vị trí ở giữa, ngay tại đây và bây giờ, nội tâm một con người. Tác phẩm lấy tên “Phương trời thứ năm” muốn đưa người nghe, người xem vào một cuộc hành trình khám phá thế giới nội tại của một con người và sự chuyển biến của thế giới này trong một đời người.
Trong sáng tác “Phương trời thứ năm”, hai nhạc sĩ đã phát triển một ngôn ngữ âm nhạc sử dụng những thủ pháp và kỹ thuật sáng tác từ âm nhạc thể nghiệm đương đại châu Âu, đồng thời lấy nguồn cảm hứng từ âm nhạc hát của một số dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam, chủ yếu là của người Dao đỏ, Hmong, Lô Lô. Trong âm nhạc các dân tộc miền núi phía Bắc, nhiều nhạc cụ chơi giai điệu bắt chước giọng hát người, trong đó phải kể đến khèn, các loại sáo, kèn lá, kèn sona, các loại pí, v.v…
Phần lớn cách sử dụng nhạc cụ trong tác phẩm “Phương trời thứ năm” cũng theo nguyên tắc trên, chính vì vậy câu nhạc, tầm âm, cách luyến láy và cách phát tiếng của nhạc cụ đều có tính chất như giọng người. Ngôn ngữ mà người hát sử dụng trong tác phẩm phần lớn là ngôn ngữ tưởng tượng, để người nghe không quá tập trung vào việc hiểu nghĩa của câu từ mà tập trung vào tính nhạc và sự biểu cảm của chính ngôn ngữ đó.