(Tổ Quốc) - Sau 4 tuần thực học chương trình GDPT mới, phụ huynh trong nước vẫn lo lắng chương trình học nặng thì phụ huynh đang sinh sống ở Bỉ cho rằng, chương trình GDPT của Việt Nam đang thay đổi có những tích cực nhất định.
Học cùng con đến gần 11g đêm
Thời điểm này, học sinh lớp 1 đã học được một tháng, tuy nhiên, chị Thu Trang (phụ huynh ở Hà Nội) vẫn thấy áp lực khi được hỏi về việc học tập ở nhà của con, nhất là khi nhận được các tin nhắn của cô như: "con đọc chưa đạt yêu cầu, con cần luyện đọc nhiều hơn, gia đình giúp con đọc nhiều hơn...".
"Cả ngày con học ở trường rồi, giờ về nhà vẫn phải liên tục nhắc con học, vừa tập đọc vừa tập viết. Có nhiều hôm cháu phải viết đến gần 11g đêm mới xong vì con không viết nhanh được. Cũng thương con vì chúng vẫn còn bé, mới đi học được vài tuần đã ép học. Thậm chí, hai tuần đầu cứ sáng ra là con khóc đòi ở nhà. Mình chỉ sợ con stress", chị Trang chia sẻ.
Cũng có con học lớp 1 năm nay, chị Huyền Anh (Đông Anh, Hà Nội) thì cho biết do đã được dạy chữ trước khi vào lớp 1 nên vào năm học mới con gái không gặp nhiều khó khăn về học chữ cái và tập viết như các bạn đồng trang lứa.
Chị Huyền Anh cho biết thêm, con chị khá hào hứng với việc học. Hàng tuần, con chỉ có 2 ngày là phải tập viết thêm ở nhà. Con cũng hoàn thành bài trong thời gian ngắn, bố mẹ không phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn con học theo chương trình mới.
Nhận định về việc tiếp thu chương trình mới, một số phụ huynh cũng cùng ý kiến khi cho rằng, trong lớp nếu có khoảng 1/2 học sinh được học trước, nghĩa là các em đã quen mặt chữ rồi thì sẽ kéo theo các học sinh khác cùng 'tiến', nghĩa là các em sẽ tiếp thu bài học nhanh hơn so với lớp chỉ có ít hoặc chưa có học sinh nào biết mặt chữ trước khi vào lớp 1.
Còn trong cuộc họp phụ huynh đầu năm ở một trường tiểu học tại Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm lớp thẳng thắn chia sẻ, trong hơn 30 năm giảng dạy cấp 1, trải qua 4 lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa, lần thứ 4 này là lần thay đổi nặng nhất.
Cô cũng đề cập một số bất cập trong quá trình triển khai chương trình, SGK mới lần này. Chẳng hạn, thời gian dành cho giáo viên chuẩn bị triển khai chương trình mới quá ngắn, số lần tập huấn chương trình, SGK mới ít, lại diễn ra trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 nên giáo viên chưa thể nắm chắc.
Theo nữ giáo viên có 30 năm kinh nghiệm dạy tiểu học, chương trình môn Tiếng Việt quá nặng. Một số môn học khác như hoạt động thể chất, đạo đức, tự nhiên xã hội… chưa cần phải có SGK. Điểm "sáng" duy nhất chính là chương trình môn Toán được giảm nhẹ.
Trước những ý kiến của phụ huynh, giáo viên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, trong một tháng đầu tiên khi thực hiện, học sinh lớp 1 gặp khó khi tiếp cận chương trình mới là có thật.
Ông Hiếu cho rằng, các phụ huynh cũng đừng quá sốt ruột. Nhà trường sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp. Không gây quá tải, không nhận xét phê bình áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh học sinh.
"Thường thời gian đầu trẻ con sẽ gặp khó khăn trong chữ viết và phát âm nhưng hết học kỳ 1, các em sẽ theo được chương trình", theo lời của Phó Giám đốc Sở trên báo Pháp luật TP.HCM online (PLO).
Kiên trì thực hiện chương trình GDPT mới
Trao đổi với báo chí về triển khai chương trình GDPT mới, bắt đầu từ năm học này với lớp 1, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho rằng, nhận định chương trình lớp 1 "nặng" đưa ra lúc này chưa đúng thời điểm, thời gian thực hiện quá ngắn nên chưa đủ căn cứ để đánh giá chương trình mới nặng hơn chương trình cũ.
Việc thực hiện phải theo chương trình GDPT tổng thể, chương trình được xây dựng có chuẩn đầu ra, quy định khung thời lượng cho một năm học. Trong chương trình của lớp 1 có 9 môn học và chương trình quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học đó khi kết thúc năm học. Dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng này để xây dựng sách giáo khoa, bằng những con đường khác nhau, để tới được đích duy nhất trong chương trình.
Ông Tài cũng chia sẻ, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe những phát sinh trong thực tế, từ đó có những căn cứ để đánh giá, điều chỉnh kịp thời.
Nói về chương trình Tiếng Việt lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho biết, chương trình có mục đích chính là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Để học sinh biết đọc, biết viết, bất cứ chương trình nào cũng phải yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Điểm khác biệt là chương trình lớp 1 mới được tăng thêm 2 tiết 1 tuần.
Tuy nhiên, "tăng tiết là để để giảm tải, chứ không phải để tăng tải", GS. Thuyết khẳng định, đồng thời cho hay, trong chương trình mới đã tăng thêm 2 tiết/tuần để giáo viên, học sinh dạy - học thong thả hơn, nghĩa là học sinh được học 12 tiết/tuần so với 10 tiết/tuần theo chương trình cũ.
Trước những ý kiến của phụ huynh Việt Nam về chương trình và SGK mới, chị Như Quỳnh de Prelle (phụ huynh học sinh lớp 1 tại Bỉ) cho rằng, chương trình GDPT của Việt Nam đang thay đổi có những tích cực nhất định, vậy nên trước hết bố mẹ cần thích ứng và chấp nhận.
Chị Như Quỳnh cũng chia sẻ chương trình dạy học cho trẻ tại nước Bỉ, cấp mầm non rất quan trọng cho bé từ 3 đến 5 tuổi, ngoài việc vui chơi ra thì bé phải được học về nhận dạng hình khối, màu sắc cũng như logic kiểu toán học đơn giản....
Theo chị Như Quỳnh, trước khi vào lớp 1, ở lớp mẫu giáo từ 3-5 tuổi, các bé sẽ được tiếp xúc với chữ cái, bắt đầu viết như thế nào với bảng chữ cái, và phải biết viết tên mình, đó là quan trọng nhất, không cần viết đẹp nhưng phải viết đúng nét và đúng cách...
"Nghĩa là mầm non rất quan trọng về phương pháp để vào lớp 1 các bạn nhỏ nhận dạng các bài tập cũng như cách học. 5 tuổi sẽ là bắt buộc đi học", phụ huynh này khẳng định về tầm quan trọng trong định hình phương pháp học đối với trẻ mầm non trước khi vào lớp 1.