(Tổ Quốc) - Chương trình Mẹ đỡ đầu bên cạnh hỗ trợ về vật chất, còn là điểm tựa tinh thần để kịp thời hỗ trợ các con vượt qua khó khăn, tiếp tục được học tập, vui chơi và phát triển toàn diện như các trẻ em khác.
Nhiều kết quả tích cực
Năm 2020 đại dịch Covid -19 xuất hiện tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi gia đình trên nhiều mặt như: kinh tế, sức khỏe, tinh thần và cả thiệt hại về người. Theo thống kê, tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 21.043 người, trong đó có 2.352 trẻ em mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân…
Nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của Covid -19, ngày 20/10/2021 Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu". Chương trình vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng chương trình; nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (trước mắt tập trung trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid -19) có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Các hoạt động của chương trình: kết nối, hỗ trợ người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại bệnh viện, tại trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các gia đình; Vận động các đơn vị/tổ chức/cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; Giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương theo chức năng của Hội; Hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em, gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng được tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước; Chú trọng hỗ trợ chăm sóc, tư vấn về tình cảm, tinh thần và đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Với ý nghĩa nhân văn, cao cả chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trên cả nước và đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đây các em có thêm điều kiện để tiếp tục thực hiện ước mơ, phấn đấu rèn luyện để trở thành người sống có lý tưởng và có ích cho xã hội.
Theo số liệu công bố tại chương trình trại hè Hoa hướng dương ngày 8/6, sau gần 2 năm triển khai đã có hơn 23.000 'mẹ đỡ đầu' cho 19.760 trẻ mồ côi. Chương trình đã vận động được tổng số tiền trên 115 tỉ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trên 3.000 trẻ mồ côi do Covid-19. Đến nay các tỉnh, thành phố, tổ chức khắp cả nước đã tiếp tục đăng ký và nhận đỡ đầu cho 7.850 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tiếp theo.
Một số kết quả tại địa phương
Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài chương trình "Mẹ đỡ đầu" còn có chương trình "Vòng tay yêu thương" Hội LHPN TP và các đơn vị phối hợp, các cấp Hội đã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp để kết nối nhiều đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân tham gia nhận đỡ đầu, chăm sóc, hỗ trợ trẻ mồ côi. Đến nay 100% trẻ mồ côi do dịch Covid-19 tại địa bàn đều đã được nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức khác nhau: dạy trẻ học, dạy trẻ làm việc nhà, động viên tinh thần trẻ, hỗ trợ dụng cụ học tập, học bổng, quà tặng cho trẻ... nhân dịp sinh nhật trẻ, các ngày lễ tết... Chương trình Mẹ đỡ đầu tại TP Hồ Chí Minh cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị tổ chức cũng như cá nhân với nhiều đợt kể từ khi phát động cho đến nay. Các em ngoài được tặng sổ tiết kiệm, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập còn được quan tâm hỗ trợ tinh thần, tham gia các hoạt động vui chơi, tổ chức bữa cơm ấm áp yêu thương...
Hà Nội có 5.638 trẻ em mồ côi. Trong đó, số trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 5.007 trẻ; số trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 631 trẻ (615 cháu đang ở tại cộng đồng); trẻ em mồ côi do Covid-19 là 16 em.Hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" gần 2 năm nay, các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội đã nhận đỡ đầu; kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận đỡ đầu 1.183 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em mồ côi do Covid-19. Các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ từ 300.000-1.000.000 đồng/tháng tùy trường hợp. Trong đó, Hội LHPN TP Hà Nội kết nối và nhận đỡ đầu 200 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn (với mức từ 500.000 đồng -1.000.000 đồng/tháng) trong thời gian 1 năm, 3 năm, 5 năm và đến năm 18 tuổi, với tổng trị giá hơn 6,9 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội đã kết nối đỡ đầu 156 trẻ em mồ côi.
Tại Đà Nẵng, sau khi phát động chương trình "Mẹ đỡ đầu", các cấp hội đã tổ chức ký cam kết nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc trẻ mồ côi. Qua kết quả khảo sát, toàn thành phố Đà Nẵng có 1.743 trẻ mồ côi, trong đó có 20 trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Đến nay, đã có 437 trẻ được nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc trong giai đoạn 2022-2026. Nguồn kinh phí hỗ trợ đỡ đầu được trích từ các hoạt động phân loại rác thải, heo đất tiết kiệm, quỹ chi hội, vận động nhà hảo tâm...
Tại Thái Bình, ừ cuối năm 2021 đến nay, thông qua Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được phát động, toàn thành phố nhận đỡ đầu cho 370 cháu, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng và hơn 7,7 tấn gạo.
Tại Đắk Lắk đã có 18 trẻ mồ côi cha, mẹ do Covid-19 và 2.279 trẻ em mồ côi vì các nguyên nhân khác; trong đó có 679 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Sau 2 năm triển khai, đến nay có 685 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các cấp Hội phụ nữ nhận đỡ đầu, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là ví dụ một vài địa phương triển khai và thu được nhiều kết quả từ chương trình Mẹ đỡ đầu. Trên thực tế, chương trình Mẹ đỡ đầu đã và đang được triển khai trên rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với tính chất nhân văn, lan tỏa yêu thương, chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã phát huy, nhân rộng được mục đích tốt đẹp vì cộng đồng trên khắp cả nước. Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, chương trình còn là điểm tựa tinh thần để kịp thời hỗ trợ các con vượt qua khó khăn, tiếp tục được học tập, vui chơi và phát triển toàn diện như các trẻ em khác.
Hà Anh
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện