• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019: Tiếp cận nghệ thuật thế giới qua ngôn ngữ hình thể

Văn hoá 06/07/2019 13:29

(Tổ Quốc) - Chương trình Múa đương đại - Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp (L'Espace) đã diễn ra một cách thành công và để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khán giả Hà Nội.

Nghệ thuật Múa đương đại đã không còn xa lạ với khán giả Hà Nội, tuy nhiên, không phải là loại hình nghệ thuật dễ xem. Chương trình đã xóa dần định kiến đó từ sự phối hợp đầy ngẫu hứng và đậm chất thơ của những động tác múa, âm thanh và ánh sáng.

Sự lên ngôi của ngôn ngữ hình thể

Đêm diễn đầu tiên của Hanoi Dance Fest với 3 tác phẩm: Khối bất kỳ, Thán, Đáy giếng. Sự hấp dẫn của những động tác múa kết hợp với âm thanh, ánh sáng đánh thức mọi giác quan của khán giả có mặt tại khán phòng.

Chương trình Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019: Tiếp cận nghệ thuật thế giới qua ngôn ngữ hình thể - Ảnh 1.

Hanoi Dance Fest 2019 đem đến những màn trình diễn ly kỳ và ngẫu hứng

Khối Bất Kỳ được thể hiện bằng chất liệu "cũng có hơi thở". Đó là bìa các tông, băng dính, keo sữa. Có lẽ nhóm Baydanc có xuất thân nghệ thuật khác nhau, vì thế họ đã mang đến sân chơi Hanoi Dance Fest 2019 một màn trình diễn ly kỳ và ngẫu hứng. Khi được hỏi về sự tương tác lạ lẫm này, đại diện nhóm cho biết: "Chúng tôi coi bìa các-tông như một con người, cũng làm quen và khám phá cơ thể của nhau, cũng nghe hơi thở và chạm vào nhau như với bạn diễn". Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khán giả là một đám lớn bìa các tông dính lấy nhau, như một sinh vật phập phồng hơi thở. Các diễn viên không hề lộ diện mà ẩn dưới lớp bìa, khán giả chỉ cảm nhận được họ qua những chuyển động cuộn lên quặn lại của đám bìa trên sân khấu. Rồi bỗng dưng những bàn tay ló ra qua khe hở. Khối bìa vẫn tiếp tục di chuyển, sột soạt, trong âm thanh đanh gọn được kéo bằng dây kéo violon trên ghita. Họ vừa như chơi cuộc chơi mình làm chủ, vừa như mắc kẹt trong sự sắp đặt do mình tạo ra.

Trong khi đó, Thán lại khiến khán giả như lặng đi vì không gian được tạo dựng rất cao và rất sâu như một vũ trụ. Diễn viên kiêm biên đạo trong nước Nguyễn Duy Thành kể cả một hành trình dường như là đi tìm kiếm niềm tin trong vũ trụ ấy. Hiệu ứng ánh sáng vô cùng vừa vặn khiến cảm giác không gian như trong phim về người ngoài hành tinh. Nhưng dù không gian có xa lạ ra sao, vóc dáng của nhân vật nhỏ bé đến thế nào thì câu chuyện mà Thán gợi ra vẫn rất nhịp nhàng, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Duy Thành được xem là người đầu tiên ở Việt Nam lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng vào múa đương đại với những cách điều từ ngôn ngữ hình thể của loại hình nghệ thuật này.

Với "Đáy giếng", tác phẩm được biên đạo, nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải đã mất 3 năm chuẩn bị, lại được xây dựng với mang âm điệu của câu chuyện Á Đông. Nói về "đứa con tinh thần" mới được sinh ra, anh chia sẻ: "Tôi mang tới hình ảnh về Việt Nam bằng con mắt khác. Tác phẩm này lấy cảm hứng rất nhiều từ ngôn ngữ của chuyển động múa. Tôi nghiên cứu nhiều về lễ hội chọi trâu, chọi gà và các hoạt động cộng đồng, trong đó nó được cộng hưởng nhiều từ văn hóa dân gian, tín ngưỡng. "Đáy giếng" là trải nghiệm của khán giả từ đáy giếng nhìn lên trời đi qua khoảng không của bóng tối, đèn mờ và ánh sáng mặt trời". Toàn bộ tinh thần của vở Đáy Giếng đều gợi nên hồn cốt Việt Nam. Có lẽ vì thế mà biên đạo múa Ngọc Khải đã chọn thể hiện trên nhạc sống, và phải là nhạc cụ dân tộc, để toát lên trọn vẹn tinh thần đó. Anh đưa chiếu cói, sân đình, tái hiện hình tượng tứ linh, hình ảnh chọi gà chọi trâu trên sân khấu. Những sinh hoạt cộng đồng đó chẳng phải có sức sống nhất khi được diễn ra trên tiếng trống, kèn, đàn… thực hay sao?

Chương trình Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019: Tiếp cận nghệ thuật thế giới qua ngôn ngữ hình thể - Ảnh 2.

Một tiết mục trong Hanoi Dance Fest 2019

Tưởng như đã mãn nhãn với đêm diễn đầu, nhưng đêm thứ hai, cũng là đêm cuối cùng, các tác phẩm "Female", "Vòng lặp" và "Đa chiều" lại mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc mới lạ xen lẫn sự hoang mang về thế giới thực tại.

"Vòng lặp" của biên đạo, nghệ sĩ múa người Pháp gốc Việt, Xuân Lê khiến người xem như xoay theo cung bậc cảm xúc của trái cầu cũng như ngôn ngữ thể hiện từ những đường lướt của nghệ thuật slalom (một loại hình trượt tuyết hoặc bơi thuyền kayak vượt chướng ngại vật). Múa đương đại đã khiến slalom có những chuyển động biến hóa hơn, căng thẳng hơn, nhất là ở phần trên cơ thể. Còn slalom cũng khiến múa đương đại có thêm những cú xoay bay bổng, những đường lướt vun vút yên tĩnh. Nói về sự kết hợp này, Xuân Lê nói anh không bắt đầu bằng việc khai thác kỹ thuật của từng bộ môn để "nhúng" vào nhau, mà hoàn toàn từ việc anh muốn biểu đạt bản thân như thế nào. Với anh, cảm xúc vẫn là yếu tố dẫn dắt chủ đạo cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Còn Female và Đa chiều của Biên đạo múa James Sutherland (Scotland) và Huy Trần - người vừa nhận chức giám đốc một nhà hát tại Đức lại mang đến cho khán giả một sự hoang mang về thế giới con người. Trong khi Đa chiều có vẻ khá khó xem với khán giả Việt khi cùng lúc trên sân khấu có nhiều nhóm nhân vật, họ cùng lúc tương tác để tự biểu đạt bản thân. Nếu như khán giả đã quá quen với việc nhìn khuôn mặt diễn viên để dò đoán mạch chuyện, thì ở đây các nhân vật biểu cảm bằng đằng sau cơ thể, họ quay lưng lại khán giả. Cảm giác khó hiểu đó cũng là điều nhiều khán giả thắc mắc về FeMale - một trích đoạn trong vở diễn về giới tính thực của con người. Nó đặt câu hỏi về bản ngã, nhân tính - giới tính thực của tôi là gì. Tuy nhiên, nếu thực sự quen với múa đương đại, cả hai là những tác phẩm thách thức và mãn nhãn.

Chương trình Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019: Tiếp cận nghệ thuật thế giới qua ngôn ngữ hình thể - Ảnh 3.

Hanoi Dance Fest 2019 là sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống

Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống

Điều kỳ lạ tại Hanoi Dance Fest 2019 chính là sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống trong các tác phẩm múa đương đại. Những tác phẩm của Huy Trần, Xuân Lê, Nguyễn Duy Thành, Vũ Ngọc Khải... có thể giúp soi chiếu, đánh giá xu hướng phát triển của múa đương đại Việt Nam. Chẳng hạn, tác phẩm Thán của Nguyễn Duy Thành lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng và cách điệu chính ngôn ngữ hình thể của loại hình này. Hay Đáy giếng của Vũ Ngọc Khải soi rọi vấn đề bản ngã cá nhân thông qua mối tương quan Trời - Đất - Người trong cùng một vật thể, ví như cuộc tìm kiếm bản ngã được diễn đạt bởi ngôn ngữ của múa đương đại.

Bằng cách gặp gỡ, thể hiện mình trên cùng sân khấu, các nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội nhìn lại, chuẩn bị những bước tiếp theo. Giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ trải nghiệm của chính mình cách đây nhiều năm, sau khi học tập ở nước ngoài về, chị chỉ là một diễn viên, biên đạo múa bình thường, nhưng nhờ những sân chơi đương đại mà tên tuổi nghệ sĩ được nhiều người biết đến. Có thể nói, Hanoi Dance Fest 2019 là một sân chơi để khuyến khích tài năng trẻ. "Đó chính là hình ảnh "tre già măng mọc", để thế hệ các bạn trẻ bây giờ mở ra con đường mới, rộng hơn, hay hơn trong tương lai, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật múa đương đại Việt Nam".

Kỳ vọng nghệ sĩ có thể đi vào căn tính văn hóa nhưng biết vượt khỏi biên giới đó, cùng trải nghiệm, chia sẻ trải nghiệm về căn tính hay nhân dạng của chính mình, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam Wilfried Eckstein cho rằng, nghệ thuật múa luôn đề ra thách thức để thông diễn, để hiểu. Một vở múa luôn đem đến nhiều hơn một câu chuyện, bằng rất nhiều cửa ngõ, cánh cổng để ngỏ và nghệ sĩ tài năng là người biết liên tục thông diễn điều đó. Như vậy, Hanoi Dance Fest 2019 sẽ không chỉ là câu chuyện mà là một cuộc đối thoại hình thể thực sự, bằng cách dùng hình thể để đặt ra câu hỏi, đưa ra câu trả lời./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ