(Tổ Quốc)- Chương trình nghệ thuật 'Ngọn Chung Linh' đề cao tính bản sắc, sân khấu hóa khát vọng dân tộc, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tối 12/1, tại Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phối hợp với GS Ngô Xuân Bính tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt Màu thời gian 2023 với chủ đề Ngọn Chung Linh.
Chia sẻ về Chương trình, ông Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết, mỗi năm, Nhà hát đều tổ chức hai chuỗi chương trình ca nhạc với chủ đề Màu thời gian và Sắc Việt. Theo đó, Màu thời gian là những chương trình tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa cha ông để lại. Còn Sắc Việt là chương trình ca múa nhạc đương đại.
Chia sẻ về việc chọn âm nhạc của GS Ngôi Xuân Bính làm đêm nhạc đầu tiên của chuỗi Màu thời gian 2023, ông Nguyễn Hải Linh cho biết thêm, vô tình đến một triển lãm của GS Ngô Xuân Bính và cảm nhận được tinh thần, những cung bậc cảm xúc của ông qua các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc. Sau đó, được biết đến những tác phẩm âm nhạc của GS Ngô Xuân Bính, Nhà hát đã quyết định chọn những tác phẩm của GS làm chủ đề đêm nhạc đầu tiên của năm 2023.
Chia sẻ về chương trình GS Ngô Xuân Bính cho biết: Lịch sử nước ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thế nước có lúc thăng trầm nhưng với bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, không bao giờ chịu khuất phục, chúng ta đều vượt qua.
Theo ông, đó là nhờ vào tinh thần, vào sức mạnh của cả dân tộc, chúng ta đã tạo nên một hào khí, hào khí tựa Chung Linh. “Hào khí Chung Linh, Hào khí Thăng Long không phải xuất phát từ những gì cao sang, xa lạ mà ở chính những gì sâu thẳm trong mỗi con người, bằng tình yêu, bằng khát vọng con người mong muốn vươn lên. Đó là tinh thần dân tộc!”- GS Ngô Xuân Bính khẳng định.
Chương trình đã đề cao tính bản sắc, sân khấu hóa khát vọng dân tộc, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu đến khán giả, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Với quá trình chuẩn bị công phu, đồ sộ về nội dung, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu, mỗi tác phẩm đều làm nổi bật tinh thần, khát vọng của dân tộc được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khát vọng đó được xây dựng nên từ những ký ức gắn liền quê hương, đất nước, cội nguồn của dân tộc.
Mỗi tác phẩm âm nhạc, mỗi chương đoạn trong chương trình là những câu chuyện được chuyển thể để nói về Hào khí Đông A, Hào khí Thăng Long, Hào khí Chung Linh… về tinh thần và khát vọng dân tộc lớn lao.
Đặc biệt, tất cả các tác phẩm âm nhạc trong chương trình Ngọn Chung Linh đều được phổ từ thơ của Giáo sư, Viện sĩ, Họa sĩ Ngô Xuân Bính.
Ông đã có một những vần thơ rất hay về Hà Nội như: “Anh hát cùng em tình ca Hà Nội/ Gieo hạt tơ vàng quấn quanh dải lụa/ Hồ Tây/ Anh hát cùng em men say tri ngộ/ Thiên tích Hồ Gươm tương hợp tương cầu/ Ngút trời lộng xanh muôn cánh hoa bay”.
Từ những vần thơ mộc mạc đó, nhạc sĩ Quang Huy của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam đã phổ nhạc thành tác phẩm Hồn thiêng Hà Nội mang âm hưởng dân gian Ca trù nhớ thương và da diết. Bên cạnh đó là những nhạc phẩm mang âm hưởng đồng quê như Những ngôi sao luôn lên nhau, Đồng quê do Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc.
Còn nhiều những tác phẩm âm nhạc khác đã được thể hiện qua 4 chương, đưa khán giả đến những cung bậc cảm xúc khác nhau: Cánh đồng tiềm thức, Đồng quê, Cánh đồng tri ân và Khát vọng.
Đạo diễn Chương trình, nghệ sĩ Trường Bắc cho biết: "Đêm nhạc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, con người Việt Nam và các di sản văn hóa mà cha ông để lại, qua đó truyền tải thông điệp về trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị ấy như thế nào"./.