• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL ký kết Chương trình Sức khỏe học đường

Thời sự 10/02/2022 16:59

(Tổ Quốc) - Ngày 10/02 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Tại đây đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VHTTDL về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khoẻ trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026.

Lễ công bố có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long… cùng đại diện các bộ, ngành, các cơ quan trung ương, lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trên phạm vi cả nước.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng chúng ta chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trẻ em không chỉ vì tương lai của đất nước mà còn hơn thế nữa. Ấm no, hạnh phúc của mỗi trẻ em, của mỗi người dân là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng trong sự nghiệp của chúng ta.

Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL ký kết Chương trình Sức khỏe học đường - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Chương trình - Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề trước mắt thời sự hiện nay là mở cửa lại trường học trực tiếp sau 2 năm gián đoạn. Bộ GDĐT phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, hiệu quả, khoa học, hợp lý để phụ huynh học sinh yên tâm khi học sinh trở lại trường học. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát trong công tác này.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp, ví dụ đối với trẻ thành phố tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì tăng cao thì chế độ dinh dưỡng cần khác với vùng nông thôn; phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Bộ Xây dựng đảm bảo quy hoạch, tỉ lệ xây dựng trường học, nhà trẻ, nhất là tại khu đô thị và khu công nghiệp, chú ý các công trình cần thiết trong trường học, nhà trẻ, đảm bảo các cháu có cơ sở vật chất tốt để học tập và phát triển thể chất. Tính toán xây dựng phương án phòng, chống dịch khi cần thiết.

Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL ký kết Chương trình Sức khỏe học đường - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VHTTDL về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026. Ảnh: VGP

Bộ VHTTDL là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra tiêu chí, xây dựng cơ sở vật chất rèn luyện thể dục thể thao cho các cháu, đặc biệt liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ và phát triển phong trào thể thao đại chúng để nhiều trẻ em tham gia rèn luyện sức khỏe...

Trước đó, ngày 02/10/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình Sữa học đường quốc gia…; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Chương trình Sức khỏe học đường: Kỳ vọng mang đến những thay đổi tích cực cho trường học - Ảnh 1.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh (ảnh minh họa)

Trong những năm qua, một số chương trình, dự án cũng đã đưa vào trường học nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm... nhưng với phạm vi riêng lẻ, không đồng bộ, triển khai trên một số địa phương, trường học.

Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước, tránh sự trùng lặp, triển khai chồng chéo.

Hơn 22 triệu trẻ em, học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Điều này sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn dành cho công tác điều trị, giảm bớt gánh nặng của bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi. Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ tăng cường cho đầu tư phát triển. Học sinh có sức khỏe tốt sẽ học tập và thành đạt hơn trên con đường học vấn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh.

Lễ công bố chính thức kích hoạt chuỗi hoạt động truyền thông sức khỏe học đường do Bộ GDĐT thực hiện, với sự phối hợp các bộ, ban ngành, cơ quan trung ương và lãnh đạo các địa phương; các tổ chức liên quan, các đơn vị báo chí truyền thông từ trung ương tới 63 điểm cầu kết nối các tỉnh/thành phố và trên 41.950 trường học trên cả nước.

Được triển khai trong 5 năm, hoạt động truyền thông sức khỏe học đường được triển khai với chiến lược đa kênh, đa nền tảng, đa phương tiện với nhiều hoạt động phong phú: series chương trình truyền hình Sức khỏe học đường; các cuộc thi, sự kiện, hoạt động ngoại khóa cho học sinh; các buổi hội thảo, tập huấn về sức khỏe học đường cho giáo viên, nhân viên y tế trường học; cung cấp những bộ học liệu chuẩn cho hơn 22 triệu học sinh cả nước, từ đó kết nối gia đình - nhà trường và cộng đồng trong mục tiêu chung vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Với thông điệp "Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh", lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khỏe học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành.

Tại lễ công bố, đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT và Bộ Y tế ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026.

Đại diện lãnh đạo của Bộ GDĐT và Bộ VHTT&DL ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026.

Những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội… là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, học sinh.

Cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa bảo đảm khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn đặc biệt các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế.

Trong năm học 2018-2019, tại các trường học mầm non và phổ thông, vẫn còn 22,8% nhà vệ sinh bán kiên cố, xuống cấp. Số lượng nhà vệ sinh đủ nước sạch và xà phòng rửa tay chỉ chiếm khoảng 65,6%. Số trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 62,8%. Vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh lây nhiễm trong trường học.

Việc gia tăng gánh nặng học tập, ô nhiễm môi trường, những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường.

Hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ, gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng, 7 đến 15 % học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống... Những căn bệnh này ảnh hưởng đến khả năng học tập, hoạt động sinh hoạt, vui chơi và chất lượng sống của các em học sinh và để lại hậu quả lâu dài.

Mỗi năm, cả nước có khoảng 2000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Tỉ lệ này cao gấp 10 lần các nước phát triển. Điều đó cho thấy sự cần thiết có những giải pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học.

Về giáo dục thể chất và thể thao trường học, năm học 2019-2020 có 69% số học sinh chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao; 76,5% số học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi. Việc thiếu đầu tư cơ sở vật chất cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao.


Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ