• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện chưa kể về Đua thuyền Việt Nam: Tấm HCV đại diện cho cả khu vực

Thể thao 29/10/2020 08:04

(Tổ Quốc) - Bước qua nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo vận động viên,… hiện nay, đua thuyền đang là bộ môn thế mạnh của Đoàn thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục.

Vừa qua, giải đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2020 đã được diễn ra tại Câu lạc bộ đua thuyền Hà Nội (Tây Hồ, Hà Nội). Dù thế giới vẫn còn phải gồng mình trước đại dịch, nước ta mới bắt đầu ổn định trở lại nhưng giải đua vẫn quy tụ được gần 400 vận động viên đến từ 25 tỉnh thành trong cả nước. Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của bộ môn đua thuyền.

Rowing và Canoeing đang rất phát triển tại Việt Nam và mang về nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Để có được ngày hôm nay, đua thuyền đã phải trải qua không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Đường (Tổng Thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam) chia sẻ: "Để có được kết quả như hiện nay, bộ môn đua thuyền đã trải qua những ngày tháng thiếu tốn từ vật chất, trang thiết bị đến đào tạo vận động viên… Nếu so về cơ sở vật chất với các nước bạn thì giống như "họ đi ô tô mà chúng ta mới chỉ đạp xe".

"Đua thuyền chẳng có gì"

Nhớ về những ngày đầu tiên 2 bộ môn này chính thức đưa vào Việt Nam từ cuối những năm 90, chỉ có một câu để miêu tả đúng về giai đoạn này: "Đua thuyền chẳng có gì".

Đua thuyền Việt Nam chuyện chưa kể: Tấm HCV đại diện cho cả khu vực - Ảnh 1.

Đua thuyền Việt Nam đã từng có thời kỳ "không có gì"

Bộ môn nào cũng vậy, đầu tiên cần môi trường tập luyện và thi đấu. Lúc đó đua thuyền chỉ là con số 0, mọi thứ đều phải xây dựng từ đầu. Đây là bộ môn cần môi trường nước đặc biệt nên không giống các bộ môn khác đã có sân tập luyện thi đấu. Chính những người đầu tiên gắn bó với đua thuyền như ông Nguyễn Hải Đường phải trực tiếp đi tìm từng khúc sông, tự đi đo đạc rất thô sơ để có thể tìm được địa điểm thích hợp.

Địa điểm đầu tiên mà đua thuyền lựa chọn là Hồ Tây. Đây là một hồ rộng, sóng to, nước hồ lại nông nên không phù hợp cho việc tập luyện. Dẫu vậy, đội tuyển vẫn cố gắng khắc phục để các vận động viên có môi trường rèn luyện. Cũng vì điều kiện không giống như trong các giải đấu nên thời gian đầu dù cố gắng nhưng thành tích toàn đội không thể phát triển.

Về trang thiết bị tập luyện thi đấu toàn đội cũng phải bắt đầu từ những chiếc thuyền rất thô sơ. Ngày đó chưa có thuyền làm bằng carbon như bây giờ, sơ khai chỉ có những chiếc thuyền bằng gỗ, mái chèo bằng gỗ của liên đoàn đua thuyền thế giới chuyển sang. Phải đến gần 10 năm sau (năm 2002) để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 thì đội mới có trang thiết bị tạm đủ để tập luyện.

"Có những tỉnh khó khăn đến mức phải xin lại 2 chiếc thuyền hỏng. Vận động viên phải cắt đôi thuyền ra rồi cuốn băng dính, dùng keo dán để làm thuyền 4 để luyện tập cho giải quốc gia"-Tổng thư ký liên đoàn đua thuyền nhớ lại.

Đua thuyền Việt Nam chuyện chưa kể: Tấm HCV đại diện cho cả khu vực - Ảnh 2.

Sau thời gian dài phát triển, Đua thuyền đã dần khẳng định vị trí, chỗ đứng

Chủ tịch của Ủy ban thi đấu của môn Canoeing Thế giới đã từng về Việt Nam thăm cơ sở vật chất của Việt Nam và có ấn tượng rất mạnh với chiếc thuyền phải dính bằng keo dán đó. Ông đã chụp ảnh chiếc thuyền và nói rằng sẽ đưa hình ảnh này vào lịch sử đua thuyền để thế giới biết về khó khăn của các nước khi tập luyện bộ môn này.

Khó khăn chồng chất khó khăn, ngày ấy chẳng ai biết Rowing là bộ môn gì, vì vậy việc tuyển quân cũng là điều không dễ dàng. Người của liên đoàn đặc biệt là các huấn luyện viên phải đi rất nhiều nơi để trực tiếp tuyển quân. Bắt đầu hướng dẫn từ cách bước lên thuyền sao để không lật, đến cả việc ngồi, cầm tay chèo thế nào…Dù khó khăn là vậy nhưng tất cả đều đồng lòng cố gắng phát triển bộ môn này.

Khoảng thời gian khó khăn đi qua, với sự đoàn kết và quyết tâm từ Liên đoàn cho đến từng vận động viên, mọi vấn đề dần được gỡ rối và đua thuyền đã có ánh sáng đầu tiên của màu huy chương.

Từ việc chỉ tập luyện tại Hồ Tây, hiện nay đua thuyền có 3 cơ sở tập luyện chính đó là Hồ Tây (Hà Nội), hồ Đồng Xanh Đồng Nghệ (Đà Nẵng) và trung tâm đua thuyền sông Giá tại Hải Phòng.

Hiện tại địa điểm tốt nhất để phục vụ cho tập luyện thi đấu đua thuyền đó là tại Hải Phòng. Đây là khúc sông mà ở Châu Á hiếm hoi có được điều kiện đạt tiêu chuẩn. Đoàn đua thuyền của chúng ta sau khi chuyển xuống đây tập huấn thì thành tích phát triển rõ rệt. Điều đó mang tính chất khẳng định bền vững rằng đua thuyền có tương lai để phát triển lâu dài.

Gặt hái quả ngọt

Niềm tự hào đầu tiên phải kể đến chiến thắng của Nguyễn Đăng Tuấn vô địch Rowing Châu Á trên đất Trung Quốc năm 2002. Đây chính là dấu mốc khởi đầu mở ra con đường sáng lạn cho đua thuyền Việt Nam đặc biệt là bộ môn Rowing.

Tiếp nối đàn anh đi trước, xúc động nhất phải kể đến Huy chương vàng mà đội tuyển Rowing Việt Nam đạt được tại ASIAD 2018.

Đua thuyền Việt Nam chuyện chưa kể: Tấm HCV đại diện cho cả khu vực - Ảnh 3.

Tấm HCV đại diện cho cả khu vực

Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thảo là 4 cô gái vàng năm đó đã bất ngờ vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để giành chiến thắng chung cuộc ở nội dung thuyền nhẹ 4 tay chèo ASIAD diễn ra tại Indonesia.

Ông Nguyễn Hải Đường tự hào kể lại: "Huy chương vàng đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam mở màn cho ASIAD chính là huy chương của đội đua thuyền. Đó cũng là huy chương vàng đầu tiên của Châu Á và của Đông Nam Á ngoài Trung Quốc. Tôi may mắn được làm trọng tài quốc tế và được trực tiếp quan sát các bạn thi đấu. Cảm giác sung sướng không kể kìm lòng. Tôi đã gần như bật khóc trên đường đua từ 200m trở về."

ASIAD có 18 nội dung, 2 ngày chung kết mỗi ngày 9 nội dung. Vào ngày hôm đó từ sáng cho đến 11h chỉ có Trung Quốc lấy huy chương vàng. Vì vậy khi Việt Nam có huy chương vàng thì gần như cả khu vực thi đấu vỡ òa trong chiến thắng. Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của cả khu vực. Thực sự rất tự hào.

Dù là nước đi sau và không có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như các nước bạn nhưng đến thời điểm hiện tại, đối với Rowing, Việt Nam 3 lần vượt qua vòng loại Olympic năm 2002, 2012 và 2016. Tiếp theo là huy chương vô địch Châu Á các năm 2005, 2018, 2016. Ở SEA Games chúng ta cũng là 1 trong 2 nước dẫn đầu cùng Indonesia. Kỷ lục là tại SEA Games 2015 tại Singapo, chúng ta đạt 8 huy chương vàng cho đua thuyền.

Đối với Canoeing chúng ta cũng có VĐV vô địch Châu Á. So với các môn thể thao gạo cội khác, dù Rowing và Canoeing là 2 môn thể thao mới vào Việt Nam chưa lâu nhưng được đánh giá rất cao.

Cho đến hiện tại, đua thuyền nước ta không chỉ mạnh trong Đông Nam Á mà vươn tầm Châu Á. Đây là kết quả của quá trình xây dựng từ gốc, tập luyện và đầu tư bài bản.

"Tôi có thể khẳng định đầu tư vào đua thuyền là hình thức đầu tư mang tính chất "làm thật, ăn thật" chứ không thể làm giả rồi lên xin huy chương. Không có chuyện đó xảy ra" - Ông Đường khẳng định. Vì vậy chúng ta có quyền hi vọng vào tương lai của bộ môn đua thuyền, đặc biệt là Rowing và Canoeing sẽ tiếp tục gặt hái thành công cho thể thao nước nhà trong thời gian tới.

Huyền Trang

NỔI BẬT TRANG CHỦ