• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện có thể bạn chưa biết về cây cầu dẫn vào đền Ngọc Sơn - biểu tượng nghìn năm của Hà Nội

Thực hiện: Vũ. | 26/03/2023

(Tổ Quốc) - Cầu Thê Húc dáng hình "cong cong như con tôm" mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, nối nhiều ước vọng tươi đẹp từ quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai.

Chiều ngày 25/3, một buổi chiều mây ẩm đục ngàu, mưa lâm thâm, một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực bốt bán vé trước lối vào cầu Thê Húc dẫn sang đền Ngọc Sơn. Theo thông tin từ Công an quận Hoàn Kiếm, ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm đã có mặt tại hiện trường. Sau khoảng 2 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Thật may mắn khi đám cháy không gây thiệt hại gì về cây cầu và khu vực đền Ngọc Sơn, các công trình được bảo toàn nguyên vẹn.

Nhắc đến cầu Thê Húc, đây được coi là một cây cầu đặc biệt, một trong những biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chuyện chưa kể về cầu Thê Húc - biểu tượng văn hoá in hình tháng năm của Thủ đô, được mệnh danh là nơi "ngưng tụ hào quang" - Ảnh 1.

Cầu Thê Húc gắn liền với nét đẹp văn hoá của đất Hà thành. Ảnh: Vũ Trung.

Cây cầu gỗ màu đỏ biểu tượng cho ước vọng hạnh phúc từ quá khứ đến tương lai

Là người khách xứ lạ đến thăm Hà Nội, chắc hẳn ai cũng đã từng đến thăm cây cầu gỗ “cong cong như con tôm" này. Cầu Thê Húc nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Hồ Gươm - Tháp Bút - Đền Ngọc Sơn. Đây từng là chốn thừa lương xinh đẹp của người xưa và nay đã trở thành biểu tượng văn hoá in dấu tháng năm của đất Hà thành.

Cầu Thê Húc được xây dựng vào năm 1865 dưới triều Tự Đức. Cây cầu được đặt tên Thê Húc, nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại", “ngưng tụ hào quang".

Cầu Thê Húc có 15 nhịp, có 32 chân gỗ tròn xếp đối thành 16 đôi. Mặt cầu có lát ván, thành cầu sơn màu đỏ sẫm. Ảnh: Thrviehanoi, Dung Dang. 

Nói về màu đỏ của cây cầu, không ít người ấn tượng sâu sắc bởi màu đỏ hiếm có, chứa đựng cả niềm tin linh thiêng ở đó.

Cầu Thê Húc hướng về phía Đông - hướng mặt trời mọc để đón được trọn vẹn ánh nắng sớm mai. Phía Đông cũng tượng trưng cho phúc khí và điềm lành, hơn nữa màu đỏ trong dân gian tượng trưng cho sức sống, hỷ khí nên cây cầu được sơn màu đỏ. Điều này cũng ngụ ý gửi gắm ước vọng hạnh phúc từ xưa tới nay. 

Chuyện chưa kể về cầu Thê Húc - biểu tượng văn hoá in hình tháng năm của Thủ đô, được mệnh danh là nơi "ngưng tụ hào quang" - Ảnh 3.

Người ta thường tìm đến Đài nghiên, Tháp bút, đền Ngọc Sơn để chiêm cầu sự may mắn về học hành, thi cử. Ảnh: Phương/Human of Films.

Hoài niệm cầu Thê Húc xưa

Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn có nhắc thế này: “Vào đảo Ngọc phải đi qua một chiếc cầu gỗ cong cong có tên cầu Thê Húc, tên có nghĩa là “nơi đậu của ánh sáng ban mai". Qua cầu là một chiếc cổng xây nữa, cổng có lầu mang ba chữ “Đắc nguyệt lâu" (lầu được trăng); hai bên cổng đắp hình long mã và rùa thần đội đồ thư và gươm báu.

Bên cổng có đôi câu đối: “ Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn - Lầu dương minh nguyệt toạ hồ tâm" (Cầu gỗ như chiếc cầu vồng đưa lên bờ đảo. Lầu cao soi trăng sáng nằm giữa lòng hồ)”. 

Chuyện chưa kể về cầu Thê Húc - biểu tượng văn hoá in hình tháng năm của Thủ đô, được mệnh danh là nơi "ngưng tụ hào quang" - Ảnh 4.

Cầu Thê Húc năm 1925. Ảnh: Getty Images.

Từ xưa, cầu Thê Húc dẫn tới nơi trăng thanh, gió mát, là chốn ngắm cảnh xinh đẹp. Ngày nay, nơi đây vẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan mỗi ngày. Cầu Thê Húc cong cong thơ mộng, e ấp dưới bóng si, bóng liễu tạo nên cảnh đẹp giữa phố thị. Một bên ồn ào đông đúc, một bên là đảo Ngọc có đền Ngọc Sơn cảnh trí yên bình, thư thái. 

Vậy mà, cầu Thê Húc cũng không tránh khỏi những thăng trầm của lịch sử. 

Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, nhà nghiên cứu Philippe Papin có viết: “Đền Ngọc Sơn, xây năm 1865 trên một hòn đảo nằm ở phía Đông Bắc hồ Gươm nhờ tiền do nhà thơ và nhà địa lý Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) đứng ra quyên góp. Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương nhằm thay thế cho Văn Miếu đã bị chuyển vào Huế. Trên lối vào đền, sau cổng thứ nhất có Bút tháp và trên cổng thứ hai có đài Nghiên. Năm 1884, khi bác sĩ Hocquard đến đây, cây câu nhỏ màu đỏ dẫn vào đền có tên Thê Húc đã bị thay thế bằng những tấm gỗ bắc tạm bợ".

Cầu Thê Húc xưa. Ảnh: Tư liệu

Các tài liệu có ghi lại rằng, khoảng thời gian vị bác sĩ Hocquard kia đến thăm cầu Thê Húc, khi ấy đền Ngọc Sơn cũng trở thành nơi ở của một viên quan người Pháp. Một đêm cuối đông nọ năm 1887, vụ phóng hoả xảy ra khiến các tấm ván trên cầu Thê Húc cháy lụi tàn. Lo sợ trước hành động xúc động chốn thiêng, tên quan người Pháp chuyển đi nơi khác, không ở trên đền nữa. Cầu Thê Húc lúc ấy cũng được tu sửa lại. 

Chuyện chưa kể về cầu Thê Húc - biểu tượng văn hoá in hình tháng năm của Thủ đô, được mệnh danh là nơi "ngưng tụ hào quang" - Ảnh 6.

Cầu Thê Húc được tu sửa năm 1952, sử dụng thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm. Phiên bản mới của cây cầu có độ cong lớn hơn cầu cũ, có 16 hàng cọc, các dầm ngang và cột đúc bằng bê tông. Thành cầu và mặt cầu vẫn là ván gỗ. Ảnh: Tư liệu.

Thời gian qua đi, có thể phủ lên nhiều vết bụi nhưng chưa bao giờ xoá nhoà đi được ý nghĩa đặc biệt và vẻ đẹp nên thơ của cầu Thê Húc. Dù quá khứ, hiện tại hay tương lai, cây cầu đỏ từng được biết đến "cong cong như con tôm luộc" ấy vẫn luôn là một biểu tượng văn hoá của Hà Nội, của những người nặng lòng với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

NỔI BẬT TRANG CHỦ