Tiền đạo Vũ Thị Hoa có một nụ cười thật đẹp nhưng ẩn sau đó lại là một đôi mắt buồn. Đi qua những ngày giông bão, nắng sẽ hửng và cầu vồng sẽ lên. Ở tuổi 20, giờ Hoa đã có thể mỉm cười, tạm gác lại nỗi buồn để hướng tới những điều tươi đẹp ở phía trước.
Chạm tay vào giấc mơ đá bóng
Ba trăm ba mươi hai ki-lô-mét, đó là khoảng cách từ Nghệ An ra đến Hà Nội. Khoảng cách ấy, cũng đã ghi dấu hành trình chạm tay vào ước mơ của Vũ Thị Hoa.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Đô Lương - Nghệ An, Hoa cũng giống như bao đứa trẻ khác ở nơi đây, đã làm quen với cái khó nhọc, lam lũ từ tấm bé.
Ở xã Minh Sơn, gia đình Vũ Thị Hoa được nhắc tới là một trong những hộ khó khăn nhất. Nơi 5 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và thu nhập ít ỏi từ công việc phụ hồ của bố. Bố mẹ bận bịu với cơm, áo, gạo, tiền nên cứ mỗi dịp nghỉ hè các em của Hoa lại được họ hàng trông hộ. Còn cô bé sinh năm 2003, tuổi thơ nơi thôn quê gắn liền với những ngày rong ruổi sân đất cùng đám bạn ở xóm. Cũng chính từ đây niềm đam mê với trái bóng tròn đến với Hoa thật tự nhiên.
"Ở quê tôi con gái đi đá bóng cũng không nhiều. Có trận đấu đội tôi thắng, các bạn nam còn không cho chơi chung nữa. Mãi sau tôi chạy theo xin các bạn mới cho đá tiếp. Các bạn sợ thua con gái nên ngại đó". Hoa (cười) kể lại.
Cũng không ít lần Hoa bị mọi người xung quanh phàn nàn "con gái mà lại đá bóng như con trai", thế nhưng "cái thứ tròn tròn làm bằng cao su ấy" khiến Hoa cuốn theo rồi đam mê lúc nào chẳng hay.
Ngọn lửa đam mê cứ lớn dần trong cô gái nhỏ. Năm 11 tuổi, khi nhận được tờ rơi của lò đào tạo Sông Lam Nghệ An tuyển sinh, Hoa lén lấy điện thoại của bố gọi điện cho trung tâm để xin thi tuyển. Tuy nhiên, Hoa lại không biết ở Nghệ An chỉ tuyển cầu thủ nam. Thời gian sau, khi nghe được tin trung tâm tại Hà Nội tuyển sinh, Hoa bắt đầu chiến dịch thuyết phục bố mẹ cho ra Thủ đô thử sức. Ban đầu cô không được ủng hộ vì mẹ muốn Hoa học hết cấp 3 đi làm công nhân như những cô gái ở làng. Sau dần, thấy con đam mê, yêu thích quá, gia đình cũng mủi lòng, quyết định cho Hoa ra Hà Nội. Ngày lên đường, đồng hành với cô là bố, thế nhưng hai bố con lại tay trắng trở về quê. Hoa bị các HLV từ chối vì ngoại hình nhỏ con. Cứ ngỡ rằng bóng đá đã ngoảnh mặt nhưng may mắn lại một lần nữa mỉm cười với Hoa.
"Tối hôm đó khi cả nhà đang ngồi ăn cơm thì có điện thoại đến báo tôi đã trúng tuyển, vé vớt. Sau khi đắn đo việc con gái phải xa nhà, bố lại một lần nữa đưa tôi ra Hà Nội. Chỉ khác là lần này tôi ở lại còn bố thì đi về", Hoa chia sẻ.
Một tấm vé vớt giúp Hoa lần đầu đặt chân vào con đường khổ luyện, trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Lần này, đi cùng Hoa ra Hà Nội vẫn là bố. Cô gái nhỏ rời khỏi vùng quê nghèo với hành trang là khát vọng của bản thân nhưng phía sau cũng là niềm trăn trở giúp cho gia đình có một cuộc sống đủ đầy hơn.
Gia nhập đội bóng nữ Hà Nội, Vũ Thị Hoa gây ấn tượng tốt với ban huấn luyện khi luôn thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trên sân tập cũng như trong thi đấu. Cũng chính vì sự nổi bật về chuyên môn, chỉ vài tháng sau khi tập ở đội Hà Nội, Hoa được tuyển chọn vào đội dự tuyển Việt Nam và tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.
Tại đội dự tuyển trẻ Việt Nam, Hoa luôn được các HLV đánh giá nhỉnh hơn các đồng đội. Như một hạt giống tốt được ươm trồng ở vùng đất màu mỡ, Hoa nhanh chóng tỏa sáng chỉ trong một thời gian ngắn. Năm 13 tuổi, Hoa cùng U13 nữ Việt Nam giành U13 nữ Đông Nam Á. Năm 15 tuổi, cô gái người Nghệ An là một trường hợp hiếm hoi thi đấu liên tiếp 4 giải đấu trong một năm. Vừa tham dự U16 nữ Quốc gia, sau giải đấu Hoa được gọi lên tuyển nữ U16 tham dự U16 nữ Đông Nam Á. Ngay sau đó là U19 nữ Quốc gia và tập trung cùng tuyển nữ U19 Việt Nam.
Sự cố gắng không ngừng nghỉ của Vũ Thị Hoa đã được đền đáp bằng những trận đấu đá chính, sự ghi nhận của những người làm chuyên môn và minh chứng là huy chương ở các giải trẻ. Nhưng sau tất cả có lẽ năm 2018 với Hoa là một năm có nhiều dấu ấn nhất nhưng cũng là một năm nặng trĩu nỗi buồn.
Nỗi đau mất cha của cô bé 15 tuổi
"Khi đó Hoa đang đá giải U16 quốc gia, sau đó gia đình gặp biến cố. Bố của Hoa không may tai nạn qua đời. Gia đình gọi ra cho các thầy cô báo tin để Hoa về kịp làm lễ", bà Đào Thi Ngụ - mẹ của Hoa kể lại.
Thời điểm ấy, chính Hoa cũng không thể tin nổi người thân yêu nhất với chị em cô trên cuộc đời này lại không còn nữa…
"Sau em tôi báo bố mất rồi, tôi vẫn không tin. Giờ nhớ lại tôi còn không thể tưởng tượng ra cảm xúc lúc ấy thế nào nữa và tôi cũng không muốn nhớ lại", Hoa nghẹn ngào nói.
"Ngày biết bố Hoa mất, ban huấn luyện, các thầy, bạn bè gom góp lại, kêu gọi thêm mọi người ủng hộ tiền. Lúc đó, gia đình mới có tiền lo tang sự cho ông. Khi về nhà thắp nén hương, ai cũng không cầm được lòng khi nhìn thấy gia cảnh của Hoa", HLV Cao Chí Thành (thành viên ban huấn luyện U19 nữ Việt Nam năm 2018) chia sẻ.
Ở tuổi 15, Hoa mất đi người bố yêu thương cô hết mực. Cô chỉ còn mẹ và 2 đứa em còn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Gánh nặng của người chị cả đã đặt nặng trên vai Hoa từ sớm. Có lúc, cô bé đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ bóng đá để đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.
Mẹ Hoa kể lại: "Hắn đi đá bóng được vài năm thì bố mất, thương con lắm mà tôi cũng không biết phải làm sao. Hoàn cảnh gia đình đã như vậy rồi, tôi chỉ biết động viên con cố gắng, đi đá bóng có nhiều rủi ro nhưng con vẫn có cái nghề. Tôi nói con cứ đi theo đuổi con đường mà con đã chọn, có vất vả như nào mẹ cũng sẽ chịu được, con cứ yên tâm mọi việc ở nhà tất cả đã có mẹ lo".
Sau khi lo xong công việc cho bố, Hoa nghe lời mẹ tiếp tục ra Hà Nội thi đấu. Những biến cố cuộc đời tưởng như đã đánh gục cô gái ấy nhưng giống như loài hoa sen. Hoa thuần khiết nhưng lại thật kiên cường, mạnh mẽ.
Nụ cười với bóng đá và hy vọng ở World Cup
Khởi đầu từ tấm HCĐ U13 nữ Đông Nam Á, HCĐ U15 nữ Đông Nam Á, 2 lần vô địch U16 nữ Đông Nam Á, 3 lần vô địch U19 nữ Quốc gia… Vũ Thị Hoa đã lần đầu ghi dấu ấn cá nhân với danh hiệu "Vua phá lưới" với 9 bàn thắng tại Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022. Cùng năm, Hoa nhận danh hiệu ở hạng mục "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm" tại Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam.
Thấy được tiềm năng kế thừa các đàn chị Huỳnh Như, Hải Yến… ở đội tuyển nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung đã trao cơ hội cho cầu thủ trẻ này.
Tại SEA Games 32, Vũ Thị Hoa trở thành một quân bài chiếc lược của vị thuyền trường 74 tuổi. Dù chưa có bàn thắng cho riêng mình nhưng tấm HCV cùng tuyển nữ Việt Nam là món quà xứng đáng đền đáp cho sự cố gắng suốt chặng đường vừa qua của Hoa.
"Tôi ưu tiên vị trí tiền đạo. Hiện đội tuyển chỉ có Huỳnh Như, Hải Yến là những tiền đạo chủ lực. Nếu 1 trong 2 chấn thương phải có người thay. Do đó tôi chọn Vũ Thị Hoa và Thúy Hằng. Vị trí tiền đạo rất quan trọng nhưng cũng dễ chấn thương. Do đó mà chúng tôi phải đưa ra những tính toán phù hợp. Vũ Thị Hoa là nhân tố tốt và tới World Cup như một phần của sự chuẩn bị cho tương lai bóng đá nữ Việt Nam", HLV Mai Đức Chung từng lý giải về việc chọn Vũ Thị Hoa.
Ở trận giao hữu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Đức, Hoa đã có cơ hội đối mặt với thủ môn đối phương. Tuy nhiên, chân sút thuộc biên chế CLB nữ Hà Nội I lại bỏ lỡ với cú sút không đủ sắc bén. Chính Vũ Thị Hoa cho rằng đó là bài học cần thiết để tiến bộ.
"Tôi cảm thấy tiếc nuối khi đã đối mặt với thủ môn nhưng bỏ lỡ cơ hội để ghi bàn. Tôi sẽ cố gắng cải thiện để làm tốt hơn".
Hoa đã chạm vào giấc mơ bóng đá của riêng mình. Sau SEA Games 32, những phần thưởng từ bóng đá giúp Hoa có thêm tiền chuẩn bị xây nhà mới cho mẹ và các em. Và bây giờ Hoa cùng tuyển nữ Việt Nam đang trên hành trình để viết tiếp một dấu mốc mới cho bóng đá nữ Việt Nam ở đấu trường World Cup. Biết đâu đứng trước thử thách, sự bản lĩnh của cô gái 20 tuổi lại tạo ra một điều kỳ diệu cho bóng đá nữ Việt Nam trước các đối thủ "sừng sỏ" kia.