• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyển đổi công nghiệp: Động lực mới giúp TP.HCM phát triển bền vững

Kinh tế 12/09/2024 15:24

(Tổ Quốc) - Chương trình đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ tập trung vào chủ đề phát triển, chuyển đổi công nghiệp. Sự kiện kỳ vọng sẽ là tiền đề cho nghành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong tương lai.

Ngày 12/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về chương trình Đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 và Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024. Đây là sự kiện quy mô quốc tế do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Chuyển đổi công nghiệp: Động lực mới giúp TP.HCM phát triển bền vững - Ảnh 1.

Buổi họp báo thông tin về chương trình Đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 và Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024.

Chương trình Đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển" sẽ chính thức diễn ra từ ngày 23 đến 24/9/2024.

Theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện sẽ là cầu nối quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh kết nối, củng cố mối quan hệ hữu nghị với các địa phương kết nghĩa trên thế giới, đồng thời giới thiệu đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 36 đoàn địa phương và Bộ ngành quốc tế xác nhận tham dự FD 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.

Nổi bật trong chuỗi hoạt động là Phiên Hội nghị Thị trưởng với sự tham dự của Lãnh đạo Trung ương, Bộ ngành, Lãnh đạo Thành phố với đại diện 58 địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với TPHCM như: Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Phần Lan… Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương, đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, để chào đón các đại biểu tham dự Đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã xây dựng chuỗi hoạt động ngoại giao công chúng như đi bộ ngắm cảnh Thành phố, thưởng thức cà phê trứng, ngắm khinh khí cầu, đi du thuyền trên sông Sài Gòn và đặc biệt là Gala "Đêm Việt Nam".

Theo ông Duy, đến thời điểm hiện tại Sở đã làm việc chặt chẽ với các đơn vị liên quan để lên khung chương trình cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị. Các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch này góp phần quảng bá nét đẹp về văn hóa và tạo sự gần gũi, mang đúng ý nghĩa của Đối thoại Hữu nghị là thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương có quan hệ kết nghĩa với thành phố.

Dịp này, Thành phố cũng tổ chức Lễ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) vào chiều ngày 24/9/2024.

Chuyển đổi công nghiệp: Động lực mới giúp TP.HCM phát triển bền vững - Ảnh 2.

Đại diện Ban tổ chức thông tin chi tiết về chương trình Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn kinh tế sắp diễn ra trong tháng 10/2024.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông tin về Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Economic Forum - HEF) lần thứ 5 năm 2024. Theo đó, Diễn đàn sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27/9/2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững thành phố Hồ Chí Minh".

Theo ông Hoà, với vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh xác định tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Trong đó, chuyển đổi công nghiệp là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới, bên cạnh các động lực truyền thống đã có từ trước như đầu mối, là trung tâm, là đầu tàu kinh tế. Chính động lực mới này sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của địa phương, tạo ra nền tảng để thành phố có thể đi xa hơn, đáp ứng được các đòi hỏi mới của thế giới, nâng tầm trong thị trường nội địa.

"Chủ đề Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là sự kế thừa và phát huy nội dung Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2023 là 'Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không'. Đây là quá trình chuyển đổi đồng bộ và chuyển đổi kép qua đó sẽ đem đến các bài học kinh nghiệm đa dạng từ các chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi"- ông Hòa chia sẻ

Diễn đàn Kinh tế Thành phố năm nay dự kiến có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Việt Nam và khoảng 1,500 đại biểu gồm: các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...), các tổ chức Quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững.

Chuyển đổi công nghiệp: Động lực mới giúp TP.HCM phát triển bền vững - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023.

Trong đó, tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo (Megatrends) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.

Tại các phiên song song, đại biểu sẽ chọn chủ đề phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của mình và đi vào 3 nhóm thảo luận với các chủ đề: Vai trò C4IR tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp

Điểm nhấn đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế năm nay là Phiên Đối thoại chính sách lần đầu tiên được tổ chức, tạo cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp trao đổi sâu rộng với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về thực trạng và giải pháp triển khai chuyển đổi công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời kiến nghị các chính sách ở tầm vĩ mô.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 40 đoàn địa phương, bộ, ngành và cơ quan quốc tế xác nhận tham dự HEF 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Australia, Italia, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ chính thức ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR), trở thành trung tâm C4IR thứ hai của Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp.

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm nay cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi về việc xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, hướng đến xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành một đô thị xanh, thông minh.

Với các hoạt động đa dạng và nội dung thiết thực, Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 và Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 hứa hẹn sẽ là những sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhật Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ