• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyển đổi mô hình chống dịch: Các chuyên gia "hiến kế"

Thời sự 27/09/2021 14:33

(Tổ Quốc) - Sáng nay (27/9), Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi tọa đàm.

Áp đặt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi bùng dịch: Như “vòng Kim cô” với lãnh đạo địa phương - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Lãnh đạo tỉnh "khóa cứng" địa phương khi mới xuất hiện 1, 2 ca bệnh

Thảo luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, năm 2020, chúng ta áp đặt mô hình "zero COVID-19" khiến việc phong tỏa "cứng" mất nhiều thời gian. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra quan điểm về chuyển đổi mô hình chống dịch, nghĩa là sống chung và an toàn với dịch bệnh COVID-19.

Áp đặt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi bùng dịch: Như “vòng Kim cô” với lãnh đạo địa phương - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm tại buổi tọa đàm.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Sỹ Dũng, việc áp đặt người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi để bùng phát dịch bệnh nó như "vòng kim cô" vậy. Chính vì lo lắng về trách nhiệm nên một số tỉnh "khóa cứng" địa phương khi mới chỉ xuất hiện 1, 2 ca bệnh. Điều này cũng đồng thời tạo ra những khó khăn cho người dân.

Một trong những ví dụ được ông Nguyễn Sỹ Dũng đưa ra là, việc cấm chợ dân sinh, truyền thống buộc người dân phải mua thực phẩm ở siêu thị, mà giá thực phẩm ở siêu thị thường cao hơn giá ở chợ dân sinh.

Theo thống kê gần đây, có khoảng 29,3 triệu người không có việc làm do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì thế, ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, nếu chuyển đổi mô hình chống dịch thì phải cho mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối để giảm bớt gánh nặng cho hàng triệu người. Phải có sự thống nhất chứ không thể như cách làm hiện nay, mỗi tỉnh mỗi kiểu thì đứt gãy hết chuỗi cung ứng.

Cùng nói về giải pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Chính phủ cần tăng cường chi tiêu tài khóa nhiều hơn nữa. Gói hỗ trợ cho phục hồi 2 năm tới thứ nhất là vượt khó, thứ hai là bắt nhịp đà phục hồi của thế giới và thứ 3 là nắm bắt xu hướng lớn của thế giới như tiêu dùng, lối sống và cuộc Cách mạng 4.0, năng lượng tái tạo.

Lưu ý 3 giai đoạn phục hồi kinh tế

Đưa ra một số khuyến nghị chính sách để phục hồi kinh tế, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine. Đồng thời, sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.

Áp đặt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi bùng dịch: Như “vòng Kim cô” với lãnh đạo địa phương - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh lưu ý 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách, cụ thể:

Giai đoạn 1 (đến quý I.2022): Ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp "trụ vững" qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết năm 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau năm 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cũng đưa ra khuyến nghị khác đó là đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Còn ông Jacques Morisset - đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) thì đề xuất 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới, trong đó tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Đại diện WB cho rằng vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn; Tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và Tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực phòng, chống dịch

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để thích ứng với COVID-19 cần sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp trên cơ sở chủ động, khoa học, sáng tạo... tạo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Áp đặt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi bùng dịch: Như “vòng Kim cô” với lãnh đạo địa phương - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dịch bệnh còn có thể kéo dài, các chính sách biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội. Trong đó, cần nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên...

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả; tính đến trước mắt và lâu dài. Kiên định mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân cả về thể chất và tinh thần.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần tranh thủ tối đa việc thích ứng để làm động lực cho hoàn thiện thể chế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, chuyển đổi mạnh sang số hóa./.

Giá vé máy bay thấp ảnh hưởng đến an toàn hàng không?

Vấn đề áp giá sàn vé máy bay nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, quan điểm như vậy là không công bằng. Hãng 3 sao phải bán giá vé như 5 sao, vậy thì ai mua hãng 3 sao. Áp như vậy là giết chết hãng hàng không.

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines lý giải, việc giá vé thấp như hiện nay gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không. Theo đó, an toàn hàng không hiện nay đang ở tiêu chuẩn cực kỳ cao, nếu các hãng cứ cạnh tranh mà hạ giá vé máy bay, thậm chí còn thấp hơn giá xăng dầu của một chuyến bay thì ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn.

Chủ tịch Vietnam Airlines cũng cho rằng, bất kỳ hãng hàng không nào phá sản sẽ ảnh hưởng chung đến nguồn lực xã hội. "Hiện nay nhiều nước đã áp dụng không chế giá vé máy bay như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Đây không phải áp giá sàn mà chống phá giá, chống giảm giá vé dưới chi phí", ông Hòa nói.



Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ